Sáng 30/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco) và 18 người liên quan các sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco).
Trả lời xét hỏi của luật sư, ông Tề Trí Dũng một lần nữa khẳng định ông Cang đã mở lời cho Nguyễn Kim tham gia vào Sadeco. "Từ lời nói tại bữa tiệc ở nhà anh Cang, bị cáo mới đồng ý cho Nguyễn Kim tiếp xúc với Sadeco", ông Dũng nói.
Đối chất với bị cáo Tề Trí Dũng tại tòa, ông Cang nhấn mạnh không có bất kỳ mối quan hệ nào với ông Kim (Công ty Nguyễn Kim). Cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy cho biết chưa bao giờ gọi cho Tề Trí Dũng qua nhà ở quận 7 hỏi thông tin về Sadeco.
Đối với lời khai về cuộc gặp mặt tại nhà riêng ngày 22/11/2016, ông Cang nói hoàn toàn không có việc này. "Tháng 11/2016, bị cáo đang theo học lớp kiến thức An ninh Quốc phòng tại Hà Nội. Lớp khai giảng cuối tháng 10, bế giảng cuối tháng 11/2016, lớp học theo hình thức tập trung, ăn ngủ và học trong học viện, được quản lý bởi Học viện Quốc phòng", ông Cang trình bày.
Bị cáo Tất Thành Cang tại tòa. Ảnh: Chí Hùng. |
Để chứng minh lời khẳng định này, ông Tất Thành Cang đưa ra 3 căn cứ: "Thứ nhất, bị cáo đề nghị luật sư liên hệ với Văn phòng Thành ủy để có quyết định triệu tập bị cáo đi học ở Học viện Quốc phòng của Ban tổ chức Trung ương Đảng. Thứ hai, bị cáo thông báo phân công đồng chí Võ Thị Dung (Phó bí thư Thành ủy) xử lý công việc trong Thường trực Thành ủy trong thời gian bị cáo đi học. Thứ ba, là lịch công tác tuần của ban thường vụ Thành ủy thể hiện rõ thời gian bị cáo học tại Hà Nội", ông Cang nói.
Ngoài ra, ông Cang cho biết lớp này do Học viện Quốc phòng tổ chức; do đó ngày khai giảng, bế giảng, báo Quân đội nhân dân có đăng; HĐXX có thể tham khảo trên báo về lớp học khóa 63 dành cho cán bộ cao cấp năm 2016.
Đồng thời, ông Cang cho rằng Học viện Quốc phòng là nơi có thể cung cấp đầy đủ về quá trình, thời gian quản lý học viên, chương trình học tập của các học viên. Ngoài các nguồn đó ông Tất Thành Cang dẫn chứng thêm một số học viên học chung với ông trong giai đoạn đó.
"Do bị cáo chưa bao giờ có cuộc gặp mặt với Tề Trí Dũng và Nguyễn Văn Kim nên đề nghị HĐXX triệu tập ông Kim đến tòa để đối chất làm rõ", ông Cang nói.
Luật sư Lê Nguyên Hòa (bào chữa cho ông Cang) đề nghị HĐXX cho triệu tập ông Nguyễn Văn Kim đến tòa để làm rõ lời khai tại trang 25 của bản cáo trạng về buổi gặp mặt của ông Cang, Kim và Dũng tại nhà riêng của ông Cang nhằm giới thiệu Công ty Nguyễn Kim tham gia Sadeco. Luật sư cho rằng cần làm rõ việc này vì trong phần xét hỏi tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang và Tề Trí Dũng có lời khai mâu thuẫn với nhau.
Trả lời ý kiến của luật sư, chủ tọa phiên tòa xét thấy HĐXX đã triệu tập Công ty Nguyễn Kim với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên không cần thiết.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo cáo buộc, với vai trò là Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, ông Tất Thành Cang đã có bút phê đồng ý vào tờ trình số 1148 của Văn phòng Thành ủy phát hành 9 triệu cổ phần có giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.
Đây là cơ sở để ông Tề Trí Dũng và các cá nhân có chức vụ tại Sadeco, IPC và người đại diện vốn căn cứ đề nghị của Công ty Nguyễn Kim về việc mua cổ phần của Sadeco để trở thành cổ đông chiến lược đã thực hiện các thủ tục thông qua phát hành 9 triệu cổ phần Sadeco trái quy định, không thông qua đấu giá, đấu thầu; gây thất thoát của Sadeco 1.103 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng giám đốc Sadeco), Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng Sadeco) đã chi tiền của Sadeco cho nhiều cá nhân đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài trái quy định; gây thiệt hại cho Sadeco gần 3,6 tỷ đồng; gây thất thoát gần 2,2 tỷ đồng vốn Nhà nước.
Đối với tội Tham ô tài sản, 8 người có hành vi sai phạm trong việc sử dụng tiền từ nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn không chuyên trách trong các năm 2016, 2017 và 2018. Tổng số tiền họ chiếm hưởng, tham ô là hơn 4,7 tỷ đồng.