Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ông Tập 'cạo xương trị độc', chỉnh đốn lực lượng chính pháp

Lực lượng chính pháp tại Trung Quốc đã được yêu cầu "cạo xương trị độc", loại bỏ những "con ngựa hại bầy" và những "kẻ hai mặt không trung thành".

trung quoc chinh don luc luong chinh phap anh 1

Ông Tập Cận Bình trao cờ cho lực lượng cảnh sát hôm 26/8. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Ngày 26/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã triệu tập hội nghị với sự tham gia của khoảng 300 sĩ quan cảnh sát cấp cao khắp cả nước tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Trong nghi lễ trang trọng, ông Tập trao cho lực lượng cảnh sát một lá cờ xanh đỏ được thiết kế mới. Phần màu đỏ, chiếm nửa trên của lá cờ, tượng trưng cho đảng và thể hiện lòng trung thành tuyệt đối của lực lượng cảnh sát đối với đảng.

Động thái biểu tượng

Đó là động thái mang tính biểu tượng cao, theo Nikkei Asian Review. Hai ngày sau, việc trao cờ cho thấy rõ ràng ý nghĩa sâu xa hơn.

Vương Tiểu Hồng, Thứ trưởng Bộ Công an và là người thân cận với ông Tập, đăng bài viết ký tên ông nói về kỷ luật chính trị trên tờ báo chính thức của lực lượng cảnh sát.

Ông Vương đặc biệt cảnh báo rằng "những kẻ hai mặt", những kẻ bên ngoài giả vờ tuân theo nhưng bên trong bí mật chống đối, và những kẻ đang "chân ngoài chân trong" lưỡng lự không giơ cờ sẽ bị loại bỏ triệt để.

trung quoc chinh don luc luong chinh phap anh 2

Ông Tập trong lễ trao cờ cho lực lượng cảnh sát hôm 26/8. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Hầu hết cơ quan cảnh sát của Trung Quốc từ lâu có liên kết với Quốc vụ viện, tức chính phủ. Ủy ban Chính Pháp Trung ương của đảng thực hiện quyền giám sát.

Ông Tập thay đổi hệ thống này bằng cách đặt lực lượng cảnh sát dưới sự kiểm soát trực tiếp của đảng, vốn cũng kiểm soát quân đội.

Tương tự như vậy, Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (vũ cảnh) - lực lượng bán quân sự chịu trách nhiệm về an ninh trong nước, kiểm soát bạo loạn và chống khủng bố - được đặt dưới sự chỉ huy hoàn toàn của Quân ủy Trung ương. Trước đây, lực lượng vũ cảnh do quân đội và chính phủ cùng giám sát.

Hồi tháng 1/2018, ông Tập cũng từng trao lá cờ mới cho Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, lá cờ khác với cờ của Quân Giải phóng Nhân dân.

Bắt đầu từ tháng 7, cuộc vận động "chỉnh đốn tác phong" của đảng Cộng sản Trung Quốc được triển khai thí điểm trong lực lượng chính pháp, bao gồm an ninh quốc gia, công an, viện kiểm sát, tòa án.

Những cơ quan này đều nằm dưới sự giám sát của Ủy ban Chính Pháp Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.

"Đầu tiên là loại bỏ những con ngựa hại bầy, kiểm tra những 'kẻ hai mặt' không trung thành và trung thực với đảng, điều tra triệt để 'ô dù che chở' của các thế lực xấu, điều tra cặn kẽ hành vi hủ bại của các cơ quan chấp pháp và tư pháp, cũng như điều tra nghiêm túc hành vi hủ bại không dừng lại sau Đại hội 18", ông Trần Nhất Tân, Tổng thư ký Ủy ban Chính Pháp, phát biểu trong một cuộc họp hồi đầu tháng 7.

Ông Trần hiện cũng là chủ nhiệm Văn phòng Thí điểm Giáo dục Chỉnh đốn Đội ngũ Chính Pháp Toàn quốc.

Theo ông Trần, hình mẫu của cuộc vận động lần này là phong trào "Diên An chỉnh phong" trong thập niên 1940.

Đây là cuộc vận động chỉnh đốn tác phong quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc, do Mao Trạch Đông phát động tại căn cứ địa Diên An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây) vào tháng 2/1942 và kéo dài 3 năm.

Siết chặt kiểm soát

Ngay sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền cách đây 8 năm, ông đã phát động chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi", chứng kiến hàng trăm quan chức cấp cao "ngã ngựa". Cựu bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang đã lĩnh án tù chung thân vì tội tham nhũng vào năm 2015.

Bất chấp những nỗ lực đó, các chuyên gia và nghiên cứu gần đây tại Trung Quốc cho biết giới lãnh đạo đảng vẫn gặp khó khăn trong việc quản lý bộ máy chính pháp. Đầu năm ngoái, đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành các quy định mới nhằm thắt chặt kiểm soát từ trên xuống đối với hệ thống.

Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong năm ngoái và đại dịch năm nay dường như đã khiến ông Tập càng quyết tâm củng cố quyền lực sắt đến tận các đồn công an địa phương.

trung quoc chinh don luc luong chinh phap anh 3

Biểu tình ở Hong Kong năm 2019. Ảnh: New York Times.

"Kiên quyết đặt lòng trung thành tuyệt đối, sự trong sạch tuyệt đối và sự tin cậy tuyệt đối vào hành động”, Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí nói khi đi kiểm tra việc thực hiện chỉnh đốn tác phong ở đông bắc Trung Quốc.

Qin Qianhong, giáo sư luật tại Đại học Vũ Hán, cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra lo lắng nhất về công an và giới chức tư pháp cấp thấp và cấp trung.

Ông cho hay một chiến dịch riêng biệt kể từ năm 2018 nhằm phá vỡ liên kết giữa các băng nhóm tội phạm và quan chức đã củng cố thêm lo ngại của các quan chức cấp cao rằng lực lượng địa phương vẫn dính vào tham nhũng.

"Mặc dù các cuộc điều tra tội phạm và tham nhũng chính thức của Trung Quốc đã hạ gục rất nhiều người, phần lớn cấu trúc chính trị - pháp luật vẫn chưa được thay thế", giáo sư Qin nói với New York Times.

"Điều đó cho thấy rằng cuộc chỉnh đốn lần này phải được thực hiện nghiêm túc". ông nói. "Diên An chính là việc thiết lập một lãnh đạo hạt nhân và bồi dưỡng lòng trung thành, và việc này phải được tuân theo".

Lớp học kéo dài đến nửa đêm

Chiến dịch dự kiến kéo dài đến đầu năm 2022, khi đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bầu ra trung ương mới và, rất có thể, kéo dài thời gian nắm quyền của ông Tập.

Theo những gì được tuyên truyền, quan chức địa phương đã nghiên cứu các bài viết và phát biểu của ông Tập trong các lớp học kéo dài đến nửa đêm.

trung quoc chinh don luc luong chinh phap anh 4

Ông Tập Cận Bình muốn tăng cường kiểm soát lực lượng an ninh. Ảnh: AP.

Các đội điều tra cũng đã gọi tên một số cán bộ bị cáo buộc tham nhũng và có những hành vi lạm quyền khác. Trong tuần đầu tiên của chiến dịch, 21 người trong ngành công an hoặc tư pháp đã bị điều tra.

Trung tuần tháng 8, các điều tra viên cho hay Phó thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Thượng Hải Cung Đạo An đã bị điều tra về những cáo buộc không được công khai cụ thể, khiến ông ta trở thành cái tên nổi bật nhất trong ngành "ngã ngựa" từ khi cuộc chỉnh đốn bắt đầu.

Các quan chức khác vướng lao lý gần đây bao gồm một cựu lãnh đạo nhà tù ở khu tự trị Nội Mông, giám đốc công an thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông, và một cựu quan chức an ninh nhà nước lâu năm ở tỉnh Giang Tô. Cáo buộc cụ thể đối với họ đã không được công khai.

Đầu năm nay, Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lập Quân đã bị đưa vào diện điều tra. Những tin đồn chưa được xác nhận rằng một số lãnh đạo an ninh trung ương đã về hưu có thể bị điều tra đã lan truyền trong giới chính trị ở Bắc Kinh và trên Internet.

Đòn bẩy trước đại hội

Một số nhà phân tích tin rằng ông Tập dường như muốn tăng cường kiểm soát đối với các cơ quan quan trọng trong việc duy trì ổn định xã hội và quyền lực cá nhân. Việc này có thể mang ý nghĩa then chốt giữa lúc ông đối mặt với nền kinh tế bị đại dịch tàn phá và căng thẳng gia tăng với Mỹ có thể khiến xã hội sôi sục.

trung quoc chinh don luc luong chinh phap anh 5

Trung Quốc đang chật vật khôi phục kinh tế sau đại dịch virus corona. Ảnh: Reuters.

Việc kiểm soát chặt chẽ hơn các lực lượng an ninh của Trung Quốc cũng mang lại cho ông Tập nhiều đòn bẩy hơn tại đại hội đảng năm 2022, theo Wu Qiang, nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc, cựu giảng viên tại Đại học Thanh Hoa.

"Ông Tập đặc biệt trông cậy vào bộ máy này của nhà nước, nhưng cũng không tin tưởng nó", ông Wu nói với Wall Street Journal.

Ông Tập gần đây cũng có dấu hiệu cho thấy ông đang đối mặt với vài năm khó khăn trước mắt.

Sau cuộc khủng hoảng virus corona, nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi. Song ông Tập và các quan chức cấp cao khác họp tại Bắc Kinh cuối tháng trước cảnh báo rằng "môi trường quốc tế ngày càng phức tạp và sự bất ổn cũng như bất định đã gia tăng rõ rệt".

"Năm năm tới là khoảng thời gian quan trọng đối với Trung Quốc", Deng Yuwen, cựu biên tập viên của một tờ báo đảng Trung Quốc, nói về sự cạnh tranh ngày càng tăng với Mỹ và nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc bước sang giai đoạn tăng trưởng mới.

"Theo quan điểm của ông Tập Cận Bình, chiến dịch chỉnh đốn hệ thống chính trị - pháp luật là để đảm bảo rằng không có vấn đề nào có thể biến thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nước".

Ông Tập yêu cầu quân đội TQ tăng cường chuẩn bị cho chiến tranh

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phải tăng cường khả năng chuẩn bị cho đối đầu vũ trang và khả năng thực hiện các nhiệm vụ quân sự, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố.

Áp lực trên vai ông Tập Cận Bình trong 7 ngày 'Lưỡng Hội'

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt với nhiều áp lực ở kỳ họp giữa lúc Bắc Kinh cân nhắc lại các mục tiêu kinh tế.

Lãnh đạo Trung Quốc đã kết thúc hội nghị Bắc Đới Hà bí ẩn?

Giữa lúc Bắc Kinh đang gặp nhiều thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, cuộc gặp của các lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Đới Hà năm nay càng trở nên quan trọng trong mắt giới quan sát.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm