Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Tập Cận Bình: Không ai được ra lệnh cho Trung Quốc

Trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm Trung Quốc cải cách và mở cửa, ông Tập Cận Bình tìm cách củng cố niềm tin vào bộ máy lãnh đạo giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình ngày 18/12 khẳng định Trung Quốc đang "bước đến vị trí trung tâm trên sân khấu quốc tế".

Ông Tập còn cho rằng Trung Quốc đã được nhìn nhận là "người xây dựng hòa bình, đóng góp phát triển toàn cầu và bảo vệ trật tự quốc tế". Ông nhắc lại quan điểm của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình 40 năm trước rằng "đói nghèo thì không phải là chủ nghĩa xã hội", Guardian tường thuật.

"Chúng ta cần bắt kịp thời đại. Đây là mục tiêu của cải cách", chủ tịch Trung Quốc khẳng định

ong Tap tran an noi bo anh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters.

Ông Tập đồng thời hứa hẹn sẽ đẩy mạnh cải cách trong "các lĩnh vực phù hợp", tạo điều kiện tiếp cận cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo khả năng đáp trả những áp lực từ bên ngoài.

"Không ai được quyền ra lệnh cho nhân dân Trung Quốc nên hay không nên làm những gì", ông nhấn mạnh. "Chúng ta cần kiên quyết cải cách những gì nên và có thể được thay đổi, nhưng cũng kiên quyết không điều chỉnh những gì không nên và không cần phải thay đổi".

Những khẳng định trên được ông Tập đưa ra giữa thời điểm giới lãnh đạo Trung Quốc đang đối diện nhiều mối lo, từ tăng trưởng kinh tế chậm dần đến tình thế đối đầu trực tiếp với Mỹ trên nhiều phương diện.

Tình trạng nợ xấu và tiêu dùng giảm đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tăng trưởng kinh tế quý III đạt mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, bài phát biểu kéo dài gần 90 phút của ông Tập không đề cập chi tiết các cải cách mới và cũng không vực dậy được niềm tin trên thị trường châu Á. Các chỉ số cổ phiếu tại Thượng Hải và Hong Kong giảm mạnh trong thời gian ông Tập phát biểu ở Đại lễ đường Nhân Dân. Trong khi đó, chỉ số tại Tokyo và Sydney cũng giảm lần lượt 1,8% và 1%.

ong Tap tran an noi bo anh 2
Jack Ma (phải), nhà sáng lập tập đoàn Alibaba, tại sự kiện kỷ niệm 40 năm Trung Quốc cải cách và mở cửa. Ảnh: Reuters.

Các ý kiến chỉ trích cho rằng yếu tố chính trị đang cản đường những cải cách thiết thực tại Trung Quốc. Nhiều ý kiến phản đối ông Tập tăng kiểm soát của chính phủ với nền kinh tế, khiến các công ty tư nhân khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tăng trưởng kinh tế dựa vào những dự án cơ sở hạ tầng cũng giảm tốc độ.

"Trước tình hình hiện nay, nhiều tranh luận về chính sách kinh tế đã diễn ra trong thời gian qua, nhưng tranh luận thì ít mà chỉ trích lại nhiều", Trey McCarver, đồng sáng lập hãng tư vấn chính sách Trivium, cho biết.

Hướng Tùng Tộ, chuyên gia kinh tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định rằng doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc còn tồn tại nhiều vấn đề khác ngoài tiếp cận vốn. Ông cảnh báo vấn đề nền tảng là lo ngại về thiếu ổn định chính sách và niềm tin vào chính phủ.

Một số chuyên gia cũng chỉ trích chính sách công nghiệp và đối ngoại cứng rắn của ông Tập đã đặt Trung Quốc vào thế đối đầu với Mỹ. Các ý kiến cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay là không cần thiết và đảo ngược chính sách "náu mình chờ thời" nhiều thập niên qua, khởi xướng bởi ông Đặng Tiểu Bình.

40 năm cải cách của Đặng Tiểu Bình tới bóng ma chiến tranh thương mại

40 năm từ khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách, tương lai của phép màu kinh tế Trung Quốc trở nên bấp bênh trước thách thức lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

EU, Trung Quốc chỉ trích Mỹ kịch liệt vì đẩy WTO vào khủng hoảng

Đại diện nhiều nước đồng loạt lên án chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và coi đây là nguyên nhân đẩy WTO vào khủng hoảng.



Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm