EU, Trung Quốc chỉ trích Mỹ kịch liệt vì đẩy WTO vào khủng hoảng
Thứ hai, 17/12/2018 22:08 (GMT+7)
22:08 17/12/2018
Đại diện nhiều nước đồng loạt lên án chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và coi đây là nguyên nhân đẩy WTO vào khủng hoảng.
Theo Reuters, đại diện Mỹ hứng chịu chỉ trích nặng nề từ Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Canada và Thụy Sĩ trong phiên họp đánh giá chính sách thương mại của Mỹ tại Hội đồng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hôm 17/12.
"Hệ thống thương mại đa phương đang lâm vào khủng hoảng sâu sắc và Mỹ chính là nguyên nhân cho cơn địa chấn", Đại sứ EU tại WTO Mark Vanheukelen cáo buộc. EU cùng Canada chỉ trích Washington vì luật "Mua hàng Mỹ", gây ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận thị trường của hàng hóa nước ngoài.
Trong khi đó, Phó đại sứ Trung Quốc tại WTO Zhang Xiangchen tuyên bố thuế đánh vào các sản phẩm nhôm, thép mà Washington áp dụng là chiêu bài sử dụng chủ nghĩa bảo hộ dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia. Quan điểm của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ từ Nhật Bản và Thụy Sĩ.
Phó đại sứ Trung Quốc tại WTO Zhang Xiangchen và Đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea tranh luận bên lề cuộc họp. Ảnh: Getty.
Cũng trong buổi làm việc, đại diện các nước chỉ trích việc Mỹ ngăn cản quyết định bổ nhiệm thẩm phán mới cho Hội đồng Phúc thẩm, bộ phận quan trọng trong cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của WTO, nhằm gây áp lực để thúc đẩy tiến trình cải tổ WTO. Bắc Kinh cáo buộc việc các thẩm phán chưa được bổ nhiệm khiến tiến trình giải quyết tranh chấp tại WTO hiện tê liệt.
Đáp trả chỉ trích, Đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea cho biết Mỹ là "một trong những nền kinh tế mở và cạnh tranh nhất thế giới", với mức thuế thuộc hạng thấp nhất toàn cầu. Ông Shea cũng bác bỏ cáo buộc Mỹ theo đuổi chính sách "bảo hộ và đơn phương".
Đánh giá về Hội đồng Phúc thẩm của WTO, ông Shea cho rằng cơ quan này đang xuống cấp, và đôi khi vượt quá thẩm quyền trong một số vụ tranh chấp. Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố hệ thống WTO đã trở nên "vô dụng" do không thể buộc Trung Quốc mở cửa thị trường như Bắc Kinh cam kết khi gia nhập tổ chức năm 2001.
"WTO không được trang bị để có thể giải quyết thách thức căn bản từ Trung Quốc, nước vẫn tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa trọng dưới sự chi phối của nhà nước đối với nền kinh tế và thương mại", ông Shea nói.
Ngành sản xuất thép Trung Quốc thiệt hại nặng sau lệnh đánh thuế của Washington. Ảnh: Xinhua.
Đại sứ Mỹ cáo buộc Bắc Kinh theo đuổi "các chính sách công nghiệp phi thị trường và cạnh tranh không lành mạnh", nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, đồng thời hạn chế phát triển và phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, hàng hóa nước ngoài.
Ông Shea tuyên bố Mỹ quyết tâm giải quyết các vấn đề về chức năng hoạt động của WTO, đồng thời khẳng định "cải tổ là cần thiết cho khả năng tiếp tục tồn tại của thể chế này".
Liên minh châu Âu có tên tiếng Anh "European Union" viết tắt là EU, là liên minh kinh tế - chính trị bao gồm 28 quốc gia thành viên thuộc châu Âu. EU được thành lập bởi Hiệp ước Maastricht vào ngày 1/11/1993 nhằm phát triển thị trường chung thông qua hệ thống luật pháp tiêu chuẩn áp dụng cho các nước thành viên. EU có một số cơ quan chính để điều hành quá trình hoạt động của mình là Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Tòa án Tư pháp.
Bạn có biết: Liên minh châu Âu có nguồn gốc từ Cộng đồng Than Thép châu Âu từ 6 quốc gia thành viên ban đầu vào năm 1951 đến nay đã phát triển lớn mạnh hơn về số lượng lẫn chất lượng.
Nhằm trả đũa việc Mỹ không tuân thủ quyết định của WTO về các loại thuế phá giá được cho là bất hợp pháp, Trung Quốc đang lên kế hoạch trừng phạt đối thủ thương mại này.
Tổng thống Donald Trump bỏ lại Tổng thống Argentina Mauricio Macri trên lễ đài sau khi bắt tay, mặc cho ông Macri ra sức gọi tổng thống Mỹ ở lại chụp ảnh cùng các lãnh đạo khác.
Trung Quốc và Mỹ đều cáo buộc đối phương đang tạo ra nguy cơ khiến WTO sụp đổ, khi đại diện Bắc Kinh nói Mỹ "bắt cóc con tin" còn Washington cho rằng Trung Quốc đóng vai nạn nhân.