Ông Shigeru Ishiba nhận tràng pháo tay sau khi được bầu làm thủ tướng mới của Nhật Bản tại Hạ viện ở Tokyo vào ngày 1/10. Ảnh: Nikkei Asia. |
Thủ tướng mới của Nhật Bản được bầu trong cuộc bỏ phiếu của các nhà lập pháp vào ngày đầu tiên của phiên họp Quốc hội mới, theo Nikkei Asia.
Các nhà lập pháp tại Hạ viện của Quốc hội đã bầu chọn ông Ishiba, trong khi Thượng viện cũng tổ chức một cuộc bỏ phiếu riêng.
Các đảng đối lập đã đưa ra các đề cử, nhưng chiến thắng của ông Ishiba đã được đảm bảo vì LDP chiếm đa số ở cả hai viện.
Vào chiều tối cùng ngày, ông Shigeru Ishibacựu - cựu bộ trưởng Quốc phòng đã phục vụ trong Quốc hội trong gần bốn thập kỷ - dự kiến bổ nhiệm một nội các mới và được Nhật hoàng Naruhito chính thức bổ nhiệm tại Cung điện Hoàng gia.
Dự kiến, ông Ishiba gặp ông Ishii Keiichi - lãnh đạo đảng Komeito, một đối tác trong liên minh cầm quyền - trước khi thành lập nhóm chuyên trách tham mưu bổ nhiệm thành phần Nội các.
Trước đó, ông Ishiba đã công bố các nhà lãnh đạo đảng của mình trước khi chỉ định Nội các. Cựu Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, người đứng thứ ba trong cuộc đua giành quyền lãnh đạo đảng, dự kiến đứng đầu lực lượng quan chức bầu cử của đảng.
Ông dự kiến bổ nhiệm các chuyên gia quốc phòng Takeshi Iwaya làm bộ trưởng ngoại giao và Gen Nakatani làm bộ trưởng quốc phòng.
Ông Ishiba đối mặt với những thách thức cấp bách, bao gồm dân số Nhật Bản đang suy giảm và nền kinh tế mong manh vẫn chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến chống giảm phát kéo dài hàng thập kỷ. Về mặt an ninh quốc gia, các vấn đề bao gồm các thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nga cũng như đối phó với một tổng thống mới sẽ được bầu tại Mỹ vào tháng tới.
Hôm 29/9, ông tiết lộ kế hoạch giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 27/10.
Ông Ishiba đã được bầu làm chủ tịch LDP mới hôm 27/9 sau khi đảo ngược tình thế trước nhà lập pháp bảo thủ Sanae Takaichi trong cuộc bỏ phiếu vòng hai đầy kịch tính. Bà Takaichi, người nỗ lực trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của LDP, dẫn đầu sau vòng bỏ phiếu đầu tiên.
Phiên họp bất thường kéo dài 9 ngày của Quốc hội mở đầu bằng ý kiến phản đối do đảng Dân chủ Lập hiến (CDP) đối lập đưa ra, chỉ trích ông Ishiba vì đã công bố ngày bầu cử Hạ viện trước khi được bầu làm thủ tướng.
"Điều này cho thấy sự coi thường tột độ đối với Quốc hội", ông Junya Ogawa, một nhà lập pháp của CDP, nói trong một bài phát biểu ngắn. Việc bỏ phiếu cũng bị trì hoãn bởi một nhà lập pháp độc lập, người đã giơ cao các biển hiệu phản đối, trong đó có lời kêu gọi Quốc hội phân bổ thêm tiền cho các nạn nhân của một loạt thảm họa thiên nhiên ở tỉnh Ishikawa của Nhật Bản.
Trong chiến dịch tranh cử Hạ viện, ông Ishiba và LDP sẽ phải thuyết phục những cử tri tức giận vì vụ bê bối báo cáo quỹ chính trị đã khiến sự ủng hộ dành cho LDP giảm mạnh trong năm nay, rằng họ có kế hoạch khôi phục lòng tin của công chúng.
Tại một cuộc họp báo sau chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử lãnh đạo LDP hôm 27/9, ông Ishiba đã nhấn mạnh đến những vấn đề điển hình mà các nhà lãnh đạo mới phải giải quyết, bao gồm cách bảo vệ an ninh quốc gia và khôi phục động lực cho nền kinh tế. Nhưng ông cũng đã phác thảo tầm nhìn về tương lai của Nhật Bản.
"Chúng tôi sẽ tạo ra một xã hội, nơi phụ nữ và những người trẻ tuổi có thể sống với hy vọng, một xã hội mà những người làm việc chăm chỉ được khen thưởng và mọi người, bao gồm cả những người khuyết tật và những người phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, đều có thể đóng vai trò tích cực", ông nói.
Ông khẳng định thêm rằng đảng sẽ nỗ lực "tạo ra một nước Nhật mới, nơi mọi người đều có thể sống trong hòa bình và an toàn, và mỗi gương mặt đều có thể nở nụ cười".
Cuốn sách về quan hệ giữa các nước Đông Bắc Á
Mục Thế giới giới thiệu sách tham khảo về quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc, với tựa đề “Quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc từ năm 1949 đến năm 1991” do NXB Chính trị quốc gia Sự thật phát hành năm 2017.
Cuốn sách làm rõ quan hệ thăng trầm giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ năm 1949 đến năm 1991, qua đó, đúc rút bài học kinh nghiệm lịch sử, góp phần hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại khôn khéo đối với Nhật Bản và Trung Quốc - hai đối tác chiến lược của nước Việt Nam hiện nay.