Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Sáng 'chơi không' mà vẫn có sách

Nhiều người quái lạ vì thế, thấy nhà văn Nguyễn Quang Sáng toàn chơi mà tác phẩm vẫn nhiều. Ông có đặc điểm là viết ở trong đầu sẵn nên nhanh.

Cánh đồng hoang - kiệt tác chiến tranh ở Nam bộ, sau được dựng thành phim nổi tiếng khắp thế giới, ông đưa vợ đi đẻ ở bệnh viện Từ Dũ về, viết liền một tuần là xong. Chiếc lược ngà ra đời chỉ trong một buổi sáng, kê tấm ván trên ghe ngồi viết giữa đồng nước mênh mông. Với ông, “viết là chép ra cái đã nghĩ. Uống rượu cũng nghĩ, đi xe cũng nghĩ”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng ký tặng sách cho độc giả trong một dịp ra mắt sách mới.

Có lẽ đời văn thành công của Nguyễn Quang Sáng phải kể hai việc: ông đi và sống với các vùng đất như bị thúc “nhớ quá đi hoài”, và ông lao động trên trang viết hết mình. Nguyễn Quang Sáng đi nhiều, đặc biệt là Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Tân Châu, Cao Lãnh, Mỹ Tho...

Ông cũng thật công phu trong sáng tác. Ông có ý tưởng về Cánh đồng hoang từ năm 1966 nhưng phải hơn 10 năm sau, chờ đất nước thống nhất mới hoàn thành tác phẩm vì “chỉ ở miền Nam mới có cánh đồng nước phù hợp. Thời kháng chiến lúc tôi là cán bộ ở Đồng Tháp Mười về chiến trường ở đó nguyên mùa nước nổi mà. Không có thực sao bịa được trời. Trực thăng nó hay bắn. Con nít sao lặn? Mỗi nhà có bao nilông thảy xuống, đương nhiên khóc. Tôi mê chi tiết”.

Thời gian sau này, khi viết kịch bản 30 tập phim truyện về Võ Văn Kiệt, ông lại càng đi nhiều, ham mê tìm chi tiết đặc sắc không ai biết. Ông rất thích chuyện một lần ông Võ Văn Kiệt đi xuồng trên sông, gặp chiếc xuồng đi ngược chiều trên có chị bí thư vùng Vũng Liêm - nơi ông hoạt động khi mới 16 tuổi.

Chị bí thư gọi: “Sáu Lục lạc!” (thì ra chàng thanh niên được đồng đội đặt tên vậy là vì hoạt động ở đâu tưng bừng dậy lên ở đó). Việc chọn ai đóng vai Võ Văn Kiệt ông cũng rất quan tâm... Viết nhiều kịch bản, ông chỉ chăm chú việc của mình nhưng rất chú ý đạo diễn. Thường ông góp ý chọn cảnh Nam bộ đúng ý và sát hợp, đạo diễn nào không chịu là... thôi luôn. Ông rất vui tính, dễ dàng nhiều chuyện nhưng trong lao động nghệ thuật thì không nhân nhượng như vậy.

Đi và viết nhiều vậy, Nguyễn Quang Sáng nói ông còn món nợ lớn - muốn viết lại cuộc đi bộ hai lần từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc. Đó là năm 1966 còn khỏe đi vô chiến đấu và năm 1971 bệnh quá đi ra. Ông muốn viết cách khác mọi người đã viết.

“Tôi viết sơ sơ không được. Dám hi sinh cho văn chương, kết quả nó trả cho mình. Bây giờ vẫn viết thế, nhưng thảnh thơi. Chắc là không phải nuôi con như ngày xưa. Ngày xưa, buổi sáng con xin cơm nguội là ứa nước mắt”.

Bây giờ mơ ước của nhà văn dừng lại rồi. Mà ý tưởng văn chương vẫn chưa kịp làm hết. Một người “chơi không” mà có nhiều sách làm rung động bao con tim.

10 hình ảnh quý về cuộc đời nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Ngày 13/2, tác giả "Chiếc lược ngà" ra đi ở tuổi 82, để lại sự nghiệp lớn và niềm thương tiếc đối với gia đình, bạn bè, độc giả.

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/593802/ong-sang-choi-khong-ma-van-co-sach.html

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm