Truyện ngắn "Chiếc lược ngà"
Đây là tác phẩm quen thuộc của các thế hệ người Việt, bởi truyện ngắn Chiếc lược ngà được đưa vào sách văn học từ nhiều thập kỷ nay. Tác phẩm là một câu chuyện cảm động về tình cha con trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Nó cũng khiến người đọc thấm thía sự mất mát, đau thương mà chiến tranh gây ra cho con người.
"Chiếc lược ngà" cũng đã được in thành dạng truyện tranh. |
Chiếc lược ngà được viết vào năm 1966, khi ông hoạt động ở chiến trường Nam Bộ những năm kháng chiến chống Mĩ và được đưa vào tập truyện cùng tên.
Về hoàn cảnh viết truyện ngắn này, Nguyễn Quang Sáng từng tâm sự:
“Năm 1966, tôi từ miền Bắc trở về miền Nam. Vùng Đồng Tháp Mười mênh mông nước trắng. Tôi đi ghe vào sâu trong rừng và sống ở một nhà sàn treo trên ngọn cây. Lúc đó, đoàn giao liên dẫn đường toàn là nữ. Tôi rất có ấn tượng với câu chuyện của một cô gái giao liên có chiếc lược ngà trắng. Sau khi nghe cô kể chuyện, tôi ngồi viết một ngày, một đêm là hoàn thành tác phẩm này”.
Tiểu thuyết "Đất lửa"
Đất lửa là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Ông viết tác phẩm này vào năm 1963.
Bìa tiểu thuyết Đất lửa in lần đầu (1963) do Văn Cao vẽ (ảnh Tuổi trẻ) và cuốn tái bản mới nhất về tác phẩm này. |
Tác phẩm là câu chuyện xảy ra tại làng Mỹ Long Hưng thuộc quận Chợ Mới tỉnh An Giang trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954). Toàn bộ tác phẩm là sự đấu tranh giằng xé trong nội bộ người dân, trong nội bộ Việt Minh về chính nghĩa và phi chính nghĩa.
Tác phẩm này được tái bản nhiều lần và năm 2011 đã được Frank Gerke dịch sang tiếng Đức.
Truyện ngắn "Con chim vàng"
Bìa cuốn "Con chim vàng" năm 1958. |
Đây là truyện ngắn đầu tay của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Năm 1956, tác phẩm này được in trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Lúc đó nhà văn 24 tuổi. Hai năm sau, tập truyện ngắn đầu tiên cùng tên Con chim vàng được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
Tác phẩm là một câu chuyện mang tính nhân văn. Truyện kể về cậu bé nghèo phải đi bắt con chim vàng cho câu bé con bà chủ. Trải qua nhiều vất vả, sau cú ngã dập vào gốc cây, sau những giận dỗi của cậu chủ, cậu bé Bào đành xót xa thốt lên: "Chết con chim vàng của tôi rồi".
"Mùa gió chướng"
Tác phẩm này được ông viết vào năm 1975. Cuốn sách mô tả tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam chống lại sự đàn áp, ý đồ dời dân lập ấp của kẻ địch. Cuộc đấu tranh đó đã trải qua nhiều gian nan, thử thách, biết bao hy sinh mất mát.
"Mùa gió chướng" trong tái bản năm 1978. |
Tiểu thuyết Mùa gió chướng đã từng được dịch sang tiếng Nga. Tác phẩm này cũng được đạo diễn Hồng Sến dựng thành phim.
Kịch bản "Cánh đồng hoang"
Cũng nằm trong dòng văn học cách mạng, Cánh đồng hoang là tác phẩm ấn tượng của Nguyễn Quang Sáng. Ông viết cuốn sách này năm 1978.
Bìa cuốn kịch bản "Cánh đồng hoang" |
Cũng như Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang đã được chuyển thể thành phim. Và đây là một trong những bộ phim điện ảnh thành công nhất của Việt Nam.