Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới văn nghệ sĩ tiếc thương nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ngậm ngùi: “Thương anh Sáng quá, một nhà văn lớn, một tình cảm lớn, một cuộc đời lớn, một cuộc chơi lớn... trong mắt tôi”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 13/2. Ngay sau khi thông tin này được chia sẻ, giới văn nghệ sĩ đã thể hiện niềm tiếc thương chia buồn sâu sắc.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đời

Khoảng 17h30 ngày 13/2, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã thông báo trên trang cá nhân về sự ra đi của bố anh - nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

 

Đặc biệt, sáng nay 14/2, tại lễ khai mạc nhà thơ Việt Nam 2014, giới văn nghệ sĩ đã có những chia sẻ xúc động về sự ra đi của ông.

Nhà văn Văn Giá: "Tôi đọc thông tin này trên trang Facebook mà giật mình, sững sờ. Nguyễn Quang Sáng là một tên tuổi lớn của Nam bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung. Ông thành công không chỉ ở thể loại văn xuôi mà còn là nhà viết kịch phim nổi tiếng.

Nhà văn Văn Giá.

Tôi có một kỷ niệm với Nguyễn Quang Sáng trong lần vào Sài Gòn công tác. Tôi được nhà thơ Nguyễn Duy dẫn đi gặp Nguyễn Quang Sáng, cùng ăn trưa cùng trò chuyện rất thân tình. Ông là người có tính tình hiền lành, siêu thoát. Siêu thoát ở đây là không giận, không ghét bỏ ai bao giờ, là người có tấm lòng nhân ái, bao dung.

Tôi cũng có một ân hận là đã thất hứa với nhà văn Nguyễn Quang Sáng vì có hứa là đến xin tài liệu và viết về chân dung các nhà văn Việt Nam nhưng chưa làm được.

Trong không khí của ngày thơ này, bất cứ ai nhớ, nghĩ đến Nguyễn Quang Sáng đều cảm thấy ngày này sâu hơn, lắng hơn. Tôi nghĩ là như vậy, nên như vậy".

Nhà văn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: "Sự ra đi của ông là một sự mất mất của nền văn học nước nhà. Ông nổi tiếng ở dòng văn học cách mạng cũng như trong văn học Việt Nam. Ông là người Nam bộ, vì thế chất liệu cho các sáng tác của ông đều mang đầy đủ  tính cách con người trong đó, là hào sảng, bộc trực, thân thiện…

 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Kỷ niệm lần gặp gần đây của tôi với nhà văn Nguyễn Quang Sáng là ở triển lãm của một công ty ở TP.HCM năm ngoái, triển lãm những bàn tay của những người nổi tiếng (triển lãm đúc bàn tay). Trưng bày hơn 40 đôi bàn tay, tôi, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy và nhiều những tên tuổi khác.

Lần gặp này sức khỏe của ông đã hơi yếu".

Trên mạng xã hội, bên cạnh sự chia buồn của nhiều thế hệ học trò từng yêu thích tác phẩm Chiếc lược ngà là những chia sẻ xúc động của các nhà văn, nhà thơ. 

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Thương anh Sáng quá, một nhà văn lớn, một tình cảm lớn, một cuộc đời lớn, một cuộc chơi lớn... trong mắt tôi”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. (Ảnh: Website của nhà thơ).

Nhà thơ trẻ Nguyễn Thụy Anh xúc động: “Tạm biệt nhà văn - một thời tuổi thơ tôi đã đọc, đã khóc, đã cười, đã nhớ và đã yêu. Ngẫm lại, những món quà quý giá nhất thời thơ ấu đều được nhận từ các nhà văn”.

Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Huyền Trang viết những dòng chân thực: “Ngày xưa sách rất hiếm. Nên những tác phẩm văn học mà mình được đọc chủ yếu là văn học nhà trường. Có những truyện ngắn mình đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Thậm chí có đoạn trích hay mình nhẩm lại mỗi khi đi ngủ đến thuộc lòng từng dấu chấm câu. Như Chiếc lá cuối cùng của O.henry, Cố hương của Lỗ Tấn, Trong lòng mẹ của Nguyên Hồng...

Một trong những tác phẩm gây xúc động mạnh cho mình là Quán rượu người câm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Dù truyện ngắn này nằm trong chương trình đọc thêm nhưng thỉnh thoảng đi chăn bò, mình vẫn ngồi xuống cỏ, tựa lưng vào thân cây đọc một cách say mê. Mình đặc biệt thích những tác phẩm viết về chiến tranh. Thích một nỗi niềm đau đáu".

 

 

Nhiều độc giả ngậm ngùi trước sự ra đi của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Tác phẩm được ghi dấu ấn nhất của ông là truyện ngắn Chiếc lược ngà.

"Chiều nay lên mạng đọc tin tức thì mới hay nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đời. Buồn. Tiếc nuối. Mới đây thôi để tỏ lòng ngưỡng mộ ông, mình và một nhóm học sinh đã viết, dàn dựng và biểu diễn thành công vở kịch Chiếc lược ngà - tác phẩm xuất sắc của ông, thắm đượm tình cảm cha con trong chiến tranh. Vậy là ông đã đi rồi. Chúng tôi thắp một nén hương lòng gửi đến ông với lòng thương tiếc sâu sắc. Mình tin rằng những gì ông cống hiến cho đời sẽ trở thành một huyền thoại sống mãi với thời gian" - Nguyễn Quốc.


"Xin chia buồn cùng bác Nguyễn Quang Dũng và gia đình. Chiếc lược ngà đã cho tôi từ thành công này đến thành công khác, đó là một vai diễn rất khó diễn đạt trọn nội tâm của nhân vật từ lời viết của ông cho đến chuyển thể thành chính kịch. Em yêu tác phẩm này vì nó đã giúp em nhận ra tình cảm vẫn còn đằng sau những tiếng bom rơi lạc đạn, là một minh chứng sống trong thời bình của những ngày đã qua. Em hi vọng một ngày nào đó Chiếc lược ngà sẽ thành công hơn nữa và tỏa sáng đến bạn đọc hơn nữa không chỉ qua lời viết mà còn là hành động của thế hệ chúng em" - Lê Trang Anh Khoa.


"Chợt nhớ nhung cái thời yêu lắm mấy bài văn trong sách giáo khoa, thích tự đọc giọng biểu cảm một mình những tác phẩm ấy trước khi đến lớp. Nhớ hơn hết cái cảm giác lần đầu đọc Chiếc lược ngà. Bực tức rồi trách cứ, nôn nao rồi tiếc nuối rồi rơi cả nước mắt khi con bé Thu nó gọi tiếng "ba" như xé lòng.Vẫn sẽ luôn nhớ Chiếc lược ngà, luôn nhớ ông - Nguyễn Quang Sáng" - Nhiệt Huyết Tuổi Trẻ

"Thôi ba đi nha con!" là câu mà đã làm mình rơi lệ khi học bài Chiếc lược ngà. Cảm ơn bác vì những cống hiến trong văn học" - Hoàng Phi Tùng.

 

 

Thanh Hiền

Bạn có thể quan tâm