Sau tuần gặp gỡ các đồng minh G7, Liên minh châu Âu và NATO, ông Joe Biden sẽ khép lại chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách tổng thống Mỹ bằng cuộc gặp cùng Tổng thống Nga Putin tại Geneva, Thụy Sĩ.
Trong hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra ngày 16/6, nhà lãnh đạo Nga được cho là sẽ không đặt nặng việc giải quyết các vấn đề kiểm soát vũ khí hay dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Thay vào đó, ông Putin đã có những gì ông muốn: một hội nghị thượng đỉnh.
Các chuyên gia cho rằng đối với ông Putin, việc tổng thống Mỹ gửi lời mời về một cuộc gặp cấp cao thể hiện sự tôn trọng nước Nga, điều mà ông luôn khao khát trong hơn hai thập kỷ cầm quyền, theo AFP.
"Bản thân cuộc gặp đã là một chiến thắng (cho ông Putin)", ông Mark Galeotti, giáo sư nghiên cứu về Nga tại Đại học London (Anh), nhận định.
Hội nghị thượng đỉnh ngày 16/6 sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau kể từ khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ. Ảnh: Bangkok Post. |
Cuộc gặp mang tính biểu tượng
Tổng thống Mỹ Biden đề xuất tổ chức gặp mặt trực tiếp với ông Putin từ tháng 4, sau khi Nga điều hàng chục nghìn quân đến biên giới với Ukraine, một "thông điệp đầy rẫy mối đe dọa đối với phương Tây".
Giới chuyên gia Moscow hoan hỉ, nói lời mời này là chiến thắng của ông Putin. BBC đánh giá đây là một hội nghị thượng đỉnh theo đúng nghĩa, chứ không chỉ đơn thuần là cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trong chuyến công du của ông Biden.
"Hội nghị thượng đỉnh cho thấy Nga là người chơi quan trọng tại giải đấu lớn", ông Alexander Shumilin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết.
Giám đốc tổ chức nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC) Andrei Kortunov cũng đưa ra nhận định tương tự: "Hội nghị thượng đỉnh quan trọng về mặt biểu tượng. Nó đặt Nga vào cùng một giải đấu với Mỹ".
"Putin chắc chắn muốn ngang hàng với tổng thống Mỹ. Ông ấy muốn được tôn trọng theo cách của mình", nhà phân tích chính trị Lilia Shevtsova cho hay.
Thế nhưng, cuộc gặp sẽ khó diễn ra trong bầu không khí thân thiện, đặc biệt là sau khi Tổng thống Biden công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow, và đồng ý mô tả tiêu cực của người dẫn chương trình ABC News về ông Putin.
Ông Biden dự kiến có cuộc đối thoại cứng rắn với người đồng cấp Nga, đề cập đến cáo buộc Nga bảo trợ tấn công mạng nhằm vào Mỹ, can thiệp bầu cử, chứa chấp tin tặc và xích mích với Ukraine.
Hy vọng nào trong cuộc gặp?
Nhiều chuyên gia đánh giá có rất ít triển vọng cho thấy sự kiện lần này sẽ giúp "tan băng" trong mối quan hệ giữa hai nước hiện nay.
Trong nhiều tháng gần đây, căng thẳng leo thang dẫn đến những màn trục xuất nhân viên ngoại giao giữa hai quốc gia. Vào tháng 5, Nga đã chính thức gọi Mỹ là một "quốc gia không thân thiện".
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 14/6 tuyên bố ông “sẽ làm rõ đâu là ranh giới đỏ” với ông Putin. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là một trong những vấn đề như vậy.
Nhà Trắng cho biết mục tiêu đưa Mỹ vào một mối quan hệ “ổn định và dễ dự đoán hơn” với Nga, và đối thoại sẽ tạo điều kiện để tránh những hiểu lầm không đáng có.
Trước hội nghị thượng đỉnh, ông Putin từng chia sẻ mối quan hệ giữa Nga và Mỹ "xấu đi", "tới mức thấp nhất trong vài năm qua".
Nhưng ông Putin cũng hy vọng Tổng thống Biden - người mà ông từng gặp khi giữ chức phó tổng thống - sẽ ít bốc đồng hơn người tiền nhiệm Donald Trump.
Tổng thống Putin cũng cho biết sẽ có những vấn đề mà hai nước có thể làm việc cùng nhau, bắt đầu với thỏa thuận gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân, thảo luận về các cuộc xung đột khu vực ở Syria và Libya, và nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.
"Nếu chúng ta có thể tạo ra các cơ chế để giải quyết những vấn đề đó, thì tôi nghĩ hội nghị thượng đỉnh không vô ích", ông Putin cho biết.
Hai nhà lãnh đạo từng gặp nhau tại Moscow, Nga hồi năm 2011 khi ông Biden giữ chức phó tổng thống. Ảnh: Reuters. |
Tìm cách hạ nhiệt
Một số chuyên gia cho rằng ông Putin luôn xem Mỹ là một đối thủ, và tầm nhìn này sẽ không thay đổi. Mặc dù vậy, Nga có thể đang tìm cách hạ nhiệt xuống một hoặc hai bậc, theo BBC.
"Là một chính trị gia lý trí, Putin muốn giảm nguy cơ rủi ro trong mối quan hệ đối nghịch này", ông Kortunov cho biết.
Cụ thể, các biện pháp trừng phạt kinh tế có thể dẫn đến hạn chế khả năng huy động vốn của chính phủ, gây áp lực cho nền kinh tế trong một năm bầu cử quan trọng.
"Người Nga không còn quan tâm tới những 'chiến thắng ngoại giao' nữa bởi họ cần tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội của đất nước", ông Kortunov nói. "Vì vậy, dù ông Putin muốn gì, tôi không nghĩ ông ấy có thể đạt được bằng cách leo thang quan hệ".
Các chuyên gia cho rằng thỏa thuận đàm phán thêm về kiểm soát vũ khí hạt nhân được coi là một dấu hiệu tích cực. Bên cạnh đó, hai bên cũng có những động thái hứa hẹn về những nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề an ninh mạng.
Hôm 13/6, Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng giao nộp tội phạm an ninh mạng cho Mỹ nếu Washington làm điều tương tự với Moscow.
Tuy nhiên, các chủ đề như số phận nhà chính trị đối lập Alexei Navalny, hay về sự hậu thuẫn của Nga cho phe ly khai ở Ukraine vẫn là mối lo ngại.
Trong cuộc gặp ngày 16/6, nhà lãnh đạo nước Nga nhiều khả năng sẽ công kích vai trò lãnh đạo thế giới tự do, hình mẫu toàn cầu mà Mỹ luôn muốn xây dựng.
Đây cũng là cách để ông Putin nhắc nhở Tổng thống Biden rằng Washington không ở vị thế có thể chỉ trích các vấn đề nội bộ của Nga.
“Ông Putin đã nói rõ 100% rằng ông ấy không coi Mỹ là thẩm phán hay người hướng dẫn về nhân quyền”, nhà phân tích chính trị độc lập người Nga Masha Lipman cho biết.
"Một bước đột phá ở Ukraine? Đừng chờ đợi điều đó. Xung đột là chuyện sẽ khó tránh khỏi trong nhiều năm nữa và việc nói về nó là vô ích", ông Lipman nói.
Hôm 11/6, Mỹ công bố viện trợ quân sự cho Ukraine trước thềm thượng đỉnh với Nga. Ảnh: AFP. |
Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo sẽ không tổ chức cuộc họp báo chung. Giáo sư Mark Galeotti cho biết ông Putin có thể sẽ bay trở về Moscow và đắm chìm trong chiến thắng của hội nghị thượng đỉnh, trong khi ông Biden chuyển trọng tâm chú ý sang những vấn đề khác.
“Ông Biden chỉ đơn giản là muốn đóng các vấn đề của Nga lại và tạm cất lên kệ. Tổng thống Mỹ không muốn tập trung vào việc này hiện nay, vì ông ấy còn có những vấn đề khác như Covid-19 hay Trung Quốc”, ông Galeotti nói.
"Tôi nghĩ ông Biden muốn nói với ông Putin rằng: 'Lùi lại, chỉ cần Nga không làm bất cứ điều gì buộc Mỹ phải hành động, thì tôi sẽ không quan tâm quá nhiều’”, vị chuyên gia nhận xét.