"Nước Mỹ gần đây đã trải qua những sự kiện rất nghiêm trọng, những sự kiện nổi tiếng sau khi một người Mỹ gốc Phi bị giết. Cả một phong trào đã nổi lên, được gọi là Black Lives Matter", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Geneva ngày 16/6, theo Reuters.
"Những gì chúng tôi thấy là tình trạng hỗn loạn, gây rối, vi phạm pháp luật,... Chúng tôi cảm thấy thông cảm cho Mỹ, nhưng chúng tôi không muốn điều đó xảy ra trên lãnh thổ của mình và chúng tôi sẽ cố gắng hết mình để không cho phép điều đó xảy ra trong tương lai", tổng thống Nga nhấn mạnh.
Black Lives Matter là phong trào phản đối phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với người da đen ở Mỹ. Phong trào bắt đầu nổi lên ở Mỹ năm 2014 và đặc biệt lan rộng sau cái chết của George Floyd, người Mỹ gốc Phi bị viên cảnh sát da trắng ghì cổ chết hồi tháng 5/2020, sau đó lan rộng ra nhiều nước, trở thành phong trào chống lại nạn bất bình đẳng chủng tộc.
Tổng thống Biden và Tổng thống Putin trước khi bước vào hội đàm ngày 16/6. Ảnh: AP. |
Sau đó, ông Putin đặt câu hỏi về việc chính quyền Mỹ bắt giữ nhiều người tấn công Điện Capitol vào ngày 6/1.
"Những người đó đến quốc hội Mỹ với mong muốn chính trị. Hơn 400 người bị cáo buộc tội hình sự. Họ bị gọi là khủng bố trong nước. Họ đang bị buộc tội với các tội danh khác", Tổng thống Putin nói.
Trong cuộc họp báo riêng sau đó, Tổng thống Biden cho rằng việc so sánh vụ bạo động ngày 6/1 và phong trào Black Lives Matter là "lố bịch".
"Đó là hành động của những kẻ tội phạm theo nghĩa đen, những kẻ đột nhập vào Điện Capitol, giết một sĩ quan cảnh sát và bị bắt giữ, chứ không phải những người biểu tình có mục đích trên khắp thủ đô và nói 'Bạn không cho phép tôi tự do ngôn luận'".
Cuộc gặp ngày 16/6 ở Geneva, Thụy Sĩ, là lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Nga đang ở mức thấp nhất.
Sau cuộc hội đàm, Mỹ và Nga ra tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo, nói "ngay cả trong những giai đoạn căng thẳng", hai nước vẫn chia sẻ các mục tiêu về "bảo đảm tính dễ tiên đoán trong không gian chiến lược, giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân", theo CNN.