Nhiệm vụ của tổ công tác là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo đó, tổ công tác do Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng. Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường làm Tổ phó thường trực, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai làm tổ phó. Các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành.
Nhiệm vụ của tổ công tác là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn TP.HCM do các sở, ban, ngành của TP đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian theo quy định.
Đồng thời, tổ công tác cũng rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình chấp hành quy định pháp luật để có hướng xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.
Đặc biệt, tổ sẽ rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vướng mắc lớn nhất của các dự án trên địa bàn thành phố hiện nay xoay quanh các vấn đề về pháp lý.
Trong văn bản thông tin hồi giữa tháng 5, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết trong số 101 kiến nghị liên quan 96 dự án gặp vướng mắc, cơ quan này đã hoàn tất giải quyết 10 kiến nghị tại 9 dự án.
Đến nay, có 73 kiến nghị khác đang được xử lý để chờ các kết luận, văn bản pháp lý liên quan. Bên cạnh đó, Sở tạm dừng giải quyết 7 kiến nghị và xác định có 4 kiến nghị không phù hợp với pháp lý hiện hành hoặc không thuộc thẩm quyền xử lý của Sở.
Cách đây vài ngày, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã ký ban hành công điện của Thủ tướng về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập, phê duyệt các quy hoạch; việc điều chỉnh các quy hoạch... trước ngày 15/6.
Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo tập trung rà soát các dự án vướng mắc trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ, chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan trung ương để né tránh trách nhiệm.
"Tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội, trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của các vướng mắc gửi về tổ công tác trước ngày 15/6 để tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng...", công điện nêu rõ.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.