Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Phan Anh Tú: 'Tuyển Việt Nam bị tâm lý từ trận gặp Trung Quốc'

Chuyên gia bóng đá này cho rằng việc các cầu thủ tự ti trước Nhật Bản là hệ quả của phản ứng dây chuyền kéo dài từ những vấn đề ở trận thua tuyển Trung Quốc.

Sau trận thua 0-1 trên sân Mỹ Đình tối 11/11 của tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo cho rằng nhiều cầu thủ của mình có dấu hiệu tâm lý, tự ti trước dàn cầu thủ có giá trị gấp nhiều lần và đẳng cấp vượt trội đến từ xứ sở mặt trời mọc.

Ong Phan Anh Tu: 'Tuyen Viet Nam bi tam ly tu tran gap Trung Quoc' anh 1

HLV Park Hang-seo lộ rõ vẻ mệt mỏi, bất lực ở trận đấu tối 11/11. Ảnh: Việt Linh.

Tâm lý từ BHL đến cầu thủ

Trao đổi với Zing, chuyên gia Phan Anh Tú, người có nhiều năm làm việc tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và từng là thành viên ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam, đồng tình với nhà cầm quân người Hàn Quốc. "Đó rõ ràng là vấn đề rất lớn và đội tuyển đang phải đối mặt với những hệ hệ quả rất nặng nếu không điều chỉnh kịp thời", ông Tú mở đầu.

"Tuyển Việt Nam dưới thời ông Park có những bước tiến có giá trị và xây dựng được phong cách chơi ổn định cho đến trước vòng loại thứ 3 World Cup 2022, đang thăng hoa và nhận kỳ vọng, nhưng không thành công. Kể cả ban huấn luyện (BHL) cũng như cầu thủ cũng rất tự tin để đặt ra những mục tiêu giành chiến thắng. Và ban đầu, tôi cho rằng họ có phần nào thành công".

Ông Tú lấy dẫn chứng màn thể hiện ở ngay trận ra quân khi làm khách trước Saudi Arabia. Quang Hải giúp Tuyển Việt Nam dẫn trước từ phút thứ 3. Trong suốt hiệp 1, đội bóng áo đỏ vẫn bảo vệ cách biệt trước đội bóng hàng đầu châu lục, trước khi mất người rồi để thua chung cuộc 3-1. Trận đấu với Australia, tuyển Việt Nam cũng chơi rất tốt dù để thua 0-1.

Từ 2 trận đấu nói trên, tuyển Việt Nam bắt đầu có những tính toán chiến lược khác đi tại vòng loại lần này khi 2 đối thủ trước mắt được coi là vừa tầm hơn là Trung Quốc và Oman.

"Chính trận làm khách trước Trung Quốc là khởi phát cho chuỗi thất bại đáng nói về sau. Tuyển Việt Nam có những sai lầm để phải nhận thất bại 2-3. Chính điều đó ảnh hưởng đến trận gặp Oman. Tuyển Việt Nam không đủ lực lượng, lại đối mặt với vấn đề tâm lý, rồi phải đá trên sân khách. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới một đội tuyển Việt Nam sợ sệt, tự ti trước Nhật Bản đã ở đẳng cấp thế giới", ông nói.

"Nhật Bản mạnh, điều đó rõ ràng, chúng ta không cần phải phân tích. Vấn đề là cách chọn lựa để đá. Nếu gặp Nhật Bản ở trận đấu đầu tiên, rất có thể tuyển Việt Nam sẽ đá theo cách khác. Có thể kết quả vẫn là thua, nhưng kết cấu đội hình, thế trận chặt nhẽ, tổ chức tốt hơn... là điều chúng ta trông chờ".

Theo ông Tú, kể cả ban huấn luyện cũng xuất hiện những vấn đề ở trận đấu vừa qua. Ông lấy dẫn chứng từ việc thay người và dùng từ "không có ý tưởng" để miêu tả. "Những giải đấu trước, việc HLV Park sắp xếp nhân sự luôn có chủ đích rất rõ ràng. Còn ở trận đấu này, chiến thuật nhân sự của tuyển Việt Nam không có ý tưởng", ông nói.

Ong Phan Anh Tu: 'Tuyen Viet Nam bi tam ly tu tran gap Trung Quoc' anh 2

Trước khi Trọng Hoàng trở lại, không ai thay thế được vị trí của Văn Thanh. Ảnh: Việt Linh.

Vấn đề lực lượng thực sự đáng lo

Nhiều trận đấu đã qua, tuyển Việt Nam xuất phát với sơ đồ và đội hình không có sự chuyển biến đáng kể. Việc HLV Park sắp xếp ai đá chính, thậm chí còn dễ đoán với cả người hâm mộ. Bộ ba trung vệ đã được "đóng đinh" cùng thủ môn. Cặp tiền vệ trung tâm Hoàng Đức - Tuấn Anh và không thể thiếu Quang Hải... "Hai vị trí chạy cánh, khi vắng Trọng Hoàng và Văn Hậu, còn ai đủ sức thay thế Văn Thanh và Hồng Duy? Việc thay người, chỉ đến thế được thôi", vị này bình luận.

Việc nhân sự không đáp ứng được yêu cầu trong một thời điểm được ông Tú giải thích bởi thói quen trong bóng đá: "Khi anh thành công, anh không việc gì phải thay đổi cả. HLV nào cũng vậy thôi, rất ngại thay đổi khi đang ổn định và có thành tích. Khi thất bại, việc này đến rất dễ dàng".

"Bóng đá là thế, khi có sự ổn định và thành tích, các cầu thủ rất khó có cơ hội chen chân. Ở bất cứ nơi nào cũng vậy. Chỉ khi có HLV mới cùng với triết lý mới, may ra mới có sự thay đổi", ông nói.

Về vấn đề này, vị chuyên gia cho rằng phụ thuộc vào việc cầu thủ trẻ có thích nghi môi trường được hay không. "Không thể có chuyện trong thời gian ngắn, chúng ta có ngay một cầu thủ tốt. Nếu HLV dám trao cơ hội cho cầu thủ trẻ, họ sẽ hay lên theo từng trận. Một năm trước, Hoàng Đức đâu có hay như bây giờ", ông lấy dẫn chứng.

Một vấn đề nữa, ông Tú lấy Nhật Bản để so sánh: "Tại sao chất lượng của họ tốt hơn? Vì họ thường xuyên thi đấu dưới áp lực cao hơn, ở những môi trường đẳng cấp hơn. Chúng ta có Quang Hải, Tuấn Anh, hay Hoàng Đức cũng hay, nhưng chỉ thi đấu với áp lực của trình độ trong khu vực Đông Nam Á thôi, khi va chạm với những người trình độ ở châu Âu, chắc chắn mình phải thua thiệt".

"Nói thế để thấy, vấn đề lực lượng bị chi phối bởi nhiều yếu tố và rất khó cũng như cần nhiều thời gian để giải quyết bài toán này. Tôi nghĩ nên chia sẻ và thông cảm với vị thế của tuyển Việt Nam ở thời điểm hiện tại".

Nhìn lại hành trình vừa qua của đội tuyển Việt Nam, ông Tú cho rằng yếu tố may mắn cũng không ủng hộ thầy trò HLV Park Hang-seo. "Những tình huống VAR, việc mất người do thẻ phạt hay chấn thương... đều có phần của yếu tố may mắn. Trong bóng đá, may mắn đóng vai trò quan trọng chứ không đơn giản chỉ là yếu tố hỗ trợ", ông nói trước khi kết thúc cuộc trao đổi.

Highlights vòng loại World Cup: Việt Nam 0-1 Nhật Bản Trên sân nhà Mỹ Đình tối 11/11, tuyển Việt Nam thua với tỷ số tối thiểu trước Nhật Bản ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á.

Tuyển Nhật Bản đến Oman, Saudi Arabia sắp tới Hà Nội

Thầy trò ông Hajime Moriyasu có mặt ở Oman vào sáng 12/11, trong khi đội tuyển Saudi Arabia sẽ bay chuyên cơ đến Việt Nam vào tối cùng ngày để chuẩn bị cho loạt trận thứ sáu.

Philippe Troussier: Tuyển Nhật Bản đã đùa với lửa

"Không cần nhìn đâu xa, Nhật Bản là hình mẫu lý tưởng để tuyển Việt Nam học hỏi và hướng tới", đó là quan điểm của "Phù thủy trắng" Troussier ở trận thua 0-1 của thầy trò ông Park.

Đỗ Hải

Bạn có thể quan tâm