“Màn trình diễn của Văn Khang, Văn Trường thời gian qua ở các đội tuyển đủ để chứng minh đây là những cầu thủ rất tài năng và đầy triển vọng của bóng đá Việt Nam. Văn Khang, Văn Trường mới đá đội trẻ nhưng sớm được gọi lên U23 và lập tức đáp ứng ngay yêu cầu của HLV trưởng. Không tự nhiên họ đá chính. Khi xuống đội U19 Việt Nam, họ cũng cho thấy khả năng thích nghi tuyệt vời”, chuyên gia Phan Anh Tú chia sẻ với Zing.
Văn Khang, Văn Trường đá chính hàng tiền vệ tuyển U23 Việt Nam ở U23 châu Á 2022, cùng đồng đội vào tới tứ kết dưới sự dẫn dắt của HLV Gong Oh-kyun. Khi xuống U19 Việt Nam của HLV Đinh Thế Nam, Văn Khang, Văn Trường là những trụ cột giúp đội giành hạng ba U19 Đông Nam Á và vô địch giải giao hữu.
Văn Khang (trái), Văn Trường (phải) đều mới tỏa sáng ở U23 và U19 Việt Nam nên ông Phan Anh Tú chỉ coi là hiện tượng. Ảnh: Nguyên Khang. |
Điều đáng tiếc là cả Khang và Trường đều chưa lên đội một, chưa có cơ hội đá V.League trong bối cảnh nhiều cầu thủ cùng lứa với họ đã ra mắt và tỏa sáng trong màu áo các CLB. Đà Nẵng có các tiền đạo Nguyễn Phi Hoàng, Phạm Đình Duy. SLNA có tiền vệ Đinh Xuân Tiến, Bình Dương có tiền đạo Bùi Vĩ Hào, thậm chí Nam Định có tiền vệ Trần Ngọc Sơn.
Ông Tú không nghĩ vậy. Với kinh nghiệm đào tạo trẻ dày dạn, ông Tú nêu quan điểm rằng không phải cầu thủ trẻ nào mới nổi sẽ thành công rực rỡ khi lên đội một. Văn Khang, Văn Trường tỏa sáng trên tuyển ở thời điểm chưa được đội bóng chủ quản ghi nhận, nên cần thời gian và quá trình rèn luyện.
“Quang Hải, Hùng Dũng năm xưa đá hạng Nhất đủ lâu mới lên đội một. Tôi ví dụ thế để thấy Văn Khang, Văn Trường chưa lên đội một lúc này có khi lại tốt hơn. Lên đội một lúc này thì họ lấy đâu ra cơ hội thi đấu khi cả Viettel lẫn Hà Nội đều có chiều sâu chất lượng ở tuyến tiền vệ?”, ông Phan Anh Tú nói.
Cựu quyền Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tiếp tục: “Có hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của cầu thủ trẻ. Thứ nhất là hoàn cảnh của đội bóng, thứ hai là yếu tố mát tay hay con mắt nhìn người của các HLV. Hiện tượng Phi Hoàng và Đình Duy ở Đà Nẵng hội tụ đủ hai yếu tố như vậy, họ có cơ hội đá chính vì các cầu thủ khác chấn thương và HLV Phan Thanh Hùng rất có duyên với các cầu thủ trẻ”.
Ông Phan Anh Tú cho biết đôn cầu thủ trẻ lên đội một không phải việc làm tùy hứng mà phải có kế hoạch cụ thể của ban huấn luyện. Với một số CLB lớn như Hà Nội, Viettel, yếu tố thành tích và sự ổn định luôn được ưu tiên. Điều này đồng nghĩa không phải ai cũng dám mạo hiểm sử dụng cầu thủ trẻ.
Đinh Xuân Tiến (giữa) lên U23 bị trả về nhưng lại được HLV Nguyễn Huy Hoàng cho đá chính ở V.League. Ảnh: Việt Linh. |
Đó cũng là quan điểm của HLV Chu Đình Nghiêm. Trong năm đầu đến CLB Hải Phòng, ông Nghiêm xây dựng bộ khung và duy trì sự ổn định sau nhiều vòng đấu, ít khi trao cơ hội cho các cầu thủ U19, U23 trong đội. Ông Nghiêm giải thích: “Không phải tôi không nghĩ cho bóng đá Việt Nam, nhưng chúng tôi phải nghĩ về thành tích CLB trước. Chỉ khi các trụ cột chấn thương, ở hoàn cảnh bắt buộc tôi mới dùng cầu thủ trẻ”.
Mùa này, CLB Hà Nội đôn lên rất nhiều cầu thủ từ đội trẻ hoặc gọi các tài năng về đội một sau thời gian cho mượn. Nhiều người trong số đó tỏa sáng ở U23 Việt Nam tại U23 châu Á nhưng hiếm khi được đá ở V.League. Tiền đạo Nguyễn Văn Tùng, hậu vệ Vũ Tiến Long đa số vào sân từ ghế dự bị lúc cuối trận. Thủ thành Quan Văn Chuẩn thậm chí chưa chơi phút nào.
HLV trưởng Chun Jae-ho chỉ nói ngắn gọn: “Đó là cách sử dụng cầu thủ của tôi. Tôi tin các cầu thủ trẻ được trao cơ hội đúng lúc sẽ phát huy khả năng”.
SLNA mùa này đôn tới 5 cầu thủ U19 lên đội một và tất cả đều được ra sân ở V.League. Ngoại trừ Đinh Xuân Tiến, hiện tượng ở U19 và U21 Quốc gia, đá chính, còn lại đều vào sân từ ghế dự bị với thời lượng ít ỏi. HLV trưởng Nguyễn Huy Hoàng giải thích: “Đó là truyền thống duy trì tính tiếp nối cho lứa kế cận của SLNA. Xuân Tiến đá chính vì cậu ấy đáp ứng các yêu cầu của ban huấn luyện”.