Chuyến thăm Triều Tiên của ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, diễn ra vào tháng 9/2007, một năm sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần đầu tiên và Chương trình Ánh Dương, giai đoạn hòa hoãn ngắn ngủi trên bán đảo Triều Tiên, đang gặp khó khăn.
Trao đổi với Zing.vn, ông nói về một giai đoạn người Triều Tiên tỏ ra dè dặt với bên ngoài nhưng cũng hy vọng rằng nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ là người chấp nhận cải cách.
"Người Triều Tiên khi đó có nhiều tâm tư về việc thế giới bên ngoài đánh giá họ 'thế này thế kia', khi bị xem là một đất nước đói, thiếu lương thực. Họ muốn chứng tỏ đất nước họ vẫn ổn, nhà nước vẫn chăm lo cho nhân dân. Các hoạt động văn hóa, xã hội vẫn diễn ra bình thường", ông nói trong một cuộc phỏng vấn tuần này tại Hà Nội
"Đất nước họ khi đấy theo tôi là cũng có nhiều khó khăn, nhưng nếu mở cửa, họ có cơ sở hạ tầng và nền tảng để phát triển nhanh".
Ông Phạm Thế Duyệt trong chuyến thăm Triều Tiên năm 2007 trên cương vị tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Người bạn nồng hậu nhưng kín kẽ
Ông Phạm Thế Duyệt kể khi ông đến vào năm 2007, những người Triều Tiên tiếp đón ông rất nồng hậu nhưng đồng thời họ tỏ ra kín đáo, không hề thể hiện mong muốn đổi mới. Thay vào đó, họ chỉ thể hiện sự quý trọng Việt Nam về quyết tâm giải phóng đất nước, Chủ tịch Quốc hội Kim Yong Nam rưng rưng nhắc về kỷ niệm được gặp Bác Hồ...
"Cùng là những người XHCN, Việt Nam và Triều Tiên đến thời điểm đó đã có cách suy nghĩ khác nhau trong đổi mới kinh tế. Chủ trương của tôi là không thể đi mang kinh nghiệm của mình để làm gương cho ai, chúng tôi chỉ chia sẻ những thành tựu đổi mới của Việt Nam, cũng như các khó khăn và mặt trái của kinh tế thị trường", ông kể.
"Mình chia sẻ với bạn về đa phương hóa, đa dạng hóa, mở cửa kinh tế và đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa. Mình cũng luôn thể hiện rõ là mình không chủ quan, bao giờ cũng thấy mặt trái của cơ chế thị trường, đổi mới mở cửa..."
Chuyến thăm của ông Duyệt diễn ra vào tháng 9/2007, tức một năm sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên. Những người Triều Tiên chào đón đoàn không đề cập gì về ý định hạt nhân của họ, cũng không nói nhiều về đổi mới kinh tế.
Dù vậy, người Triều Tiên không phản đối khi phái đoàn Việt Nam chia sẻ về tình hình đổi mới và phát triển kinh tế, chỉ có ý thận trọng và kín kẽ trong việc lựa chọn, đặc biệt đối với Mỹ đối với Hàn Quốc.
"Tất nhiên họ cần đề phòng với Mỹ và Hàn Quốc. Vì họ có những bài học, cũng như Việt Nam cũng có những bài học trong quan hệ với các cường quốc. Không thể bảo người ta làm như mình, họ từng trực diện với cuộc Chiến tranh Triều Tiên, họ có sự quyết liệt, tính dân tộc cao, quyết tâm giữ đường lối độc lập của họ", ông Duyệt nói.
Ông Phạm Thế Duyệt lật lại cuốn album lưu những hình ảnh trong chuyến thăm Triều Tiên năm 2007. Ảnh: Phương Thảo. |
Nếu mở cửa, họ sẽ tiến rất nhanh
Ở mặt khác, những người Triều Tiên, theo nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, tỏ ra quan tâm đến việc họ bị bên ngoài hình dung là một đất nước cô lập, kinh tế chậm phát triển, thậm chí đói kém.
"Họ cũng có ý nói vấn đề các hoạt động xã hội của họ vẫn mạnh, đưa chúng tôi đi thăm dàn đồng ca hàng nghìn người, họ có ý là vẫn coi trọng hoạt động văn hóa xã hội, chăm lo đời sống người dân...", ông kể.
"Họ muốn nói cho mình biết họ không khó khăn thế, nhưng bên ngoài đồn đại họ".
Triều Tiên, dù năm 2007 vẫn cho thấy họ là một đất nước thiếu thốn nhiều thứ, hàng hóa ít ỏi, lại xây dựng được một cuộc sống kỷ cương và có hệ thống hạ tầng đáng ngưỡng mộ.
Theo ông Duyệt thì về cơ sở hạ tầng, "họ hơn mình nhiều, ví dụ như đường sá, các công trình đền đài, tượng đài, nhà bảo tàng, các công trình cơ sở hạ tầng, về vấn đề điện, tàu điện ngầm họ hơn hẳn mình".
"Nếu Triều Tiên mở cửa phát triển, chỉ riêng việc phát triển du lịch, họ có lợi thế đó", ông nói và kể về các lăng tẩm, đền đài rất uy nghi ở thủ đô Bình Nhưỡng, con đường đến Bàn Môn Điếm với nhà cửa hai bên tương đối cao đẹp, đàng hoàng.
"Trên bình diện xã hội, ít nhất ở Bình Nhưỡng, họ xây dựng được một xã hội nề nếp lắm, trật tự kỷ cương, không có lộn xộn. Trên đường phố, cảnh sát giao thông rất nghiêm túc, ai cũng chấp hành nghiêm, người đi đường thì ít, người đi tàu điện ngầm nhiều".
"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để thay đổi
Năm 2008, Chính sách Ánh Dương chính thức sụp đổ khi người Hàn Quốc bầu lên một tổng thống theo đường lối cứng rắn với miền Bắc, ông Lee Myung Bak.
Quan hệ hai miền Triều Tiên lại tiếp tục căng thẳng và Triều Tiên tiếp tục củng cố chương trình hạt nhân của họ. Phải đến 11 năm sau cuộc gặp của nhà lãnh đạo Kim Jong Il và tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun, lãnh đạo 2 miền bán đảo mới gặp lại nhau.
Triều Tiên được cho đã xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters. |
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un tuyên bố đã hoàn thành chương trình hạt nhân và sẽ tập trung phát triển kinh tế. Ông gặp tổng thống Hàn, tổng thống Mỹ, tỏ ra hứng thú với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ít nhất về bề ngoài, ông đem lại một sự cởi mở đáng kể so với cha mình, người dè dặt cả với việc phát biểu trước công chúng trong nước.
"Việc Kim Jong Un đang làm thì có sự nghi ngại này kia, nhưng rõ ràng cách tiếp cận đã cởi mở. Ông thấy rõ là không thể đối đầu, không thể theo đuổi chiến tranh lạnh mãi. Kim Jong Un là người được đi học lâu năm ở nước ngoài, ít nhiều có sự ảnh hưởng quốc tế, có thể linh hoạt hơn ông và bố mình", ông Duyệt nói. "Tất nhiên, vấn đề với Mỹ cũng phải đánh giá 2 mặt. Việc hòa hoãn trên bán đảo Triều Tiên không phải chưa có, nhưng lại đổ vỡ".
12 năm sau vụ thử hạt nhân đầu tiên, thành tựu của Triều Tiên là một chương trình hạt nhân đã đủ sức răn đe đến Mỹ. Kim Jong Un đi một bước đi táo bạo hơn là đề nghị gặp gỡ vô điều kiện nhà lãnh đạo Mỹ.
"Muốn hay không cũng phải thấy họ mạnh, Mỹ không thể coi thường. Họ giờ đã có cái mặc cả tới Mỹ. Chương trình hạt nhân tất nhiên ảnh hưởng đời sống dân nhưng về đối ngoại, việc này vừa bị lên án nhưng khó bị coi thường", ông Duyệt nhận định.
Ở mặt khác, ông cho rằng việc Triều Tiên mở cửa là phù hợp xu thế: "Đó là xu thế thời đại, anh cố ý cũng không được, không thể bất chấp mãi được. Cả mong muốn được hòa bình và đoàn tụ của người dân hai miền cũng vậy".
"Họ là con người, không thể lấy chính trị ra để buộc người dân phải chia cắt được".