Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Washington Post: Hội nghị Trump - Kim sẽ có tiến triển ở Hà Nội

Các chuyên gia của Đại học Stanford, Mỹ, cho rằng Triều Tiên thực sự đã dừng các yếu tố chính của chương trình hạt nhân, chuẩn bị nền tảng tốt cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tuần tới, quan điểm phổ biến ở Mỹ là ông Kim vẫn mở rộng chương trình hạt nhân trong năm 2018 mặc dù cam kết sẽ làm điều ngược lại. 

Tuy nhiên, những phát hiện của các chuyên gia tại Đai học Stanford đã vẽ ra một bức tranh khác. Trong bài viết trên Washington Post, Siegfried S. Hecker, Robert L. Carlin và Elliot Serbin cho rằng Triều Tiên thực sự đã dừng các yếu tố chính của chương trình hạt nhân, do đó làm giảm các mối đe dọa từ sự mở rộng nhanh chóng của chương trình này trong năm 2017.

Siegfried S. Hecker từng là giám đốc của Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos từ năm 1986 đến 1997 và là thành viên cao cấp tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Stanford. Robert L. Carlin là một học giả thỉnh giảng và Elliot Serbin là trợ nghiên cứu tại trung tâm.

Ba yếu tố trong kho hạt nhân của Triều Tiên

Trước hết, trên mặt trận ngoại giao, ông Kim đã có những bước đi quyết định trong năm 2018 để bắt đầu cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc.

Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lịch sử tại Singapore, cũng như ba hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, đã làm giảm đáng kể căng thẳng và nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo nhóm chuyên gia, về mặt kỹ thuật, chúng ta không thể chỉ sử dụng thuật ngữ đơn giản "phi hạt nhân hóa" như là tiêu chuẩn để đo lường các thay đổi trong chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Chúng ta cần xem xét sự đánh đổi giữa ba thành phần cần thiết trong kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên: nhiên liệu sản xuất bom, vũ trang và hệ thống vận chuyển.

Một mặt, Triều Tiên mở rộng kho dự trữ nhiên liệu bom, cho phép nước này có khả năng tăng quy mô kho vũ khí của mình. Đây là những gì chúng ta sẽ thấy trong trường hợp không có bất kỳ giới hạn cụ thể và ràng buộc nào.

Tuy nhiên, mặt khác, Triều Tiên đã làm chậm quá trình vũ khí hóa (thiết kế, xây dựng, thử nghiệm) và sự phát triển hệ thống vận chuyển, hạn chế sự tinh vi và tầm với của kho vũ khí.

hoi nghi thuong dinh My - Trieu anh 1
Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa đất đối đất Hwasong-10 trong bức ảnh ngày 23/6/2016 của Cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên Triều Tiên (KCNA). Ảnh: KCNA.

Các chuyên gia đã theo dõi hoạt động của các cơ sở chính trong năm 2018 và những năm trước bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh nguồn mở.

Kết hợp phân tích này với kiến thức về các cơ sở dựa trên các chuyến thăm tổ hợp hạt nhân Yongbyon trong nhiều năm qua, họ kết luận rằng Triều Tiên đã vận hành các cơ sở này để sản xuất đủ plutonium và uranium được làm giàu cao cho khoảng 6 quả bom, ngoài lượng nhiên liệu cho khoảng 30 quả bom theo ước tính vào cuối năm 2017.

Việc bổ sung vật liệu phân hạch tương đương với 6 quả bom sẽ ít đe dọa hơn nhiều so với việc Triều Tiên chuyển sang hoàn thiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và khả năng bom hydro thông qua việc tiếp tục thử nghiệm tên lửa và hạt nhân vào năm 2018.

Những tiến bộ này đã không xảy ra vì vào tháng 4, ông Kim đã chấm dứt, không chỉ đình chỉ, thử nghiệm hạt nhân và tên lửa. Ông tuyên bố chương trình thử hạt nhân là không cần thiết và Triều Tiên đã hoàn thành lực lượng hạt nhân quốc gia.

Thật vậy, Triều Tiên đã không phóng thử tên lửa ở bất kỳ tầm nào trong năm 2018 - một bước ngoặt đáng kinh ngạc từ hàng loạt vụ thử trong vài năm trước. Vào tháng 5/2018, ông Kim cũng đã thực hiện các bước để phá hủy các đường hầm thử nghiệm hạt nhân tại khu thử nghiệm Punggye-ri của Triều Tiên.

Thực tế là việc thử hạt nhân và tên lửa kết thúc vĩnh viễn đã hạn chế nghiêm trọng những tiến bộ của Triều Tiên trong các hệ thống vũ khí và vận tải. Điều này hạn chế rất nhiều tham vọng của Triều Tiên đối với ICBM, tên lửa nhiên liệu rắn và tên lửa phóng từ tàu ngầm. Tất cả vẫn trong giai đoạn phát triển, chứ chưa hoàn thành như ông Kim tuyên bố.

Nền tảng cho hội nghị thượng đỉnh

Tất nhiên, nhiều việc có thể và nên được thực hiện vào năm 2019. Tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, Mỹ nên khóa các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và gây áp lực chấm dứt sản xuất nhiên liệu bom bao gồm plutonium, uranium được làm giàu cao và tritium.

Điều này sẽ được thực hiện chủ yếu bằng cách phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon, đồng thời đưa các thanh sát viên Mỹ và quốc tế tới đó. Ngoài các cơ sở hóa chất uranium và cơ sở máy ly tâm được biết đến tại Yongbyon, Triều Tiên còn có ít nhất một cơ sở làm giàu uranium không được tiết lộ ở địa điểm khác cũng sẽ cần phải tháo dỡ.

Tuy nhiên, trái với ý kiến của nhiều nhà quan sát Hàn Quốc, nhóm chuyên gia của Mỹ kết luận rằng Bình Nhưỡng đã đạt được nhiều tiến bộ trên mặt trận phi hạt nhân hóa hơn so với những gì Washington đã làm để tiến tới bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều Tiên, điều mà họ cam kết sẽ thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Singapore.

hoi nghi thuong dinh My - Trieu anh 2
Tấm poster trong một nhà hàng Hàn Quốc ở Hà Nội chào đón Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vào ngày 27-28/2 tại thủ đô của Việt Nam. Ảnh: Getty.

Triều Tiên xem chính sách gây áp lực và trừng phạt tối đa của Trump là không tương thích với tiến trình bình thường hóa. Tại hội nghị thượng đỉnh, ông Kim chắc chắn sẽ nhấn mạnh điều này và Mỹ nên chuẩn bị để thảo luận một số hình thức nới lỏng trừng phạt.

Nhóm chuyên gia cho biết họ được khuyến khích bởi những nhận xét gần đây của đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun rằng Washington cần "thúc đẩy chính sách ngoại giao cùng với kế hoạch phi hạt nhân hóa theo cách có thể gửi thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên".

Những nhận xét này dường như là dấu hiệu cho thấy lập trường mềm dẻo hơn ở Washington để đẩy mạnh phi hạt nhân hóa của Triều Tiên đồng thời phát triển các mối quan hệ tốt hơn và hướng tới một "chế độ hòa bình" trên bán đảo. Trước đây, các chuyên gia đã lập luận rằng phi hạt nhân hóa phải được thực hiện từng bước với việc bình thường hóa.

Những tiến triển này rất hứa hẹn khi kết hợp với tuyên bố của ông Kim trong năm mới rằng không chỉ dừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân mà còn không sản xuất hoặc phổ biến chúng.

Với những bình luận gần đây của cả hai phía và sự chậm lại trong quá trình vũ khí hóa của Bình Nhưỡng vào năm 2018, nền tảng chuẩn bị tại hội nghị thượng đỉnh đã sẵn sàng về cả tiến trình bình thường hóa và các bước tiến tới tạm dừng, thu hồi và cuối cùng loại bỏ vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên.

Người dân Việt mong muốn ngừng thử hạt nhân sau hội nghị Trump - Kim Nhiều người dân Việt Nam kỳ vọng về một bản cam kết hoặc hiệp định phi hạt nhân hóa sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

TT Trump muốn gặp lại ông Kim Jong Un sau hội nghị tại VN

Tổng thống Mỹ nói muốn gặp lại người đồng cấp Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội và sẽ cân nhắc dỡ bỏ lệnh trừng phạt nếu Bình Nhưỡng tiến hành phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Trump đề cập việc nới lỏng cấm vận Triều Tiên

Một tuần trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập việc nới lỏng cấm vận Triều Tiên, vấn đề gai góc trong đàm phán giữa hai nước.

Tuyết Mai

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm