Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028, đã diễn ra ngày 12/7 tại Hà Nội.
Đại hội vinh dự nhận được lẵng hoa chúc mừng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó thủ tướng Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Đại hội cũng nhận được lẵng hoa chúc mừng của các cơ quan trung ương: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…
Đến dự Đại hội có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Nam Tiến, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội; ông Vũ Trọng Lâm, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật...
Ban chấp hành khóa V có 37 ủy viên
Chiều 12/7, ông Hoàng Phong Hà, Phó chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV, công bố kết quả bầu cử Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V gồm 37 ủy viên.
Ban chấp hành bầu PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, giữ chức Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khoá V nhiệm kỳ 2023-2028.
Các Phó chủ tịch gồm: Ông Tống Văn Thanh - Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội khóa IV; ông Đỗ Quang Dũng - nguyên Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật; bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM.
Ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, đã trúng cử là Trưởng ban Kiểm tra Hội nhiệm kỳ 2023-2028.
Toàn cảnh Đại hội Đại biểu hội Xuất bản Việt Nam lần thứ V. Ảnh: Việt Linh. |
Ông Phạm Minh Tuấn nói được bầu làm Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam vừa là niềm vinh dự, vừa là trọng trách lớn lao với ông. "Là một người gắn bó với ngành xuất bản, bằng kinh nghiệm của mình, tôi hứa sẽ dành tâm huyết cho hoạt động Hội. Tôi sẽ cố gắng tham gia cùng Ban chấp hành để xây dựng, kiện toàn các hệ thống văn bản, quy chế hoạt động; đẩy mạnh hoạt động, nâng cao vị thế Hội; đồng thời đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của ngành xuất bản", ông Phạm Minh Tuấn nói.
Tân chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn sinh năm 1974, tốt nghiệp Cử nhân Luật Kinh tế, Đại học Luật TP.HCM; Cử nhân Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Thạc sĩ Luật Kinh tế Đại học Luật TP.HCM; Tiến sĩ Luật học tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2016, ông được công nhận chức danh Phó giáo sư Chính trị học.
Ông Phạm Minh Tuấn hiện giữ chức vụ Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản. Trước đó, ông là Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (4/2016-12/2020). Từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2023, ông giữ chức Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Hoạt động Hội góp phần quan trọng phát triển ngành xuất bản
Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nói Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V (nhiệm kỳ 2023 - 2028) là một sự kiện chính trị quan trọng của những người làm xuất bản trong cả nước.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nói Đại hội là một sự kiện chính trị quan trọng của những người làm xuất bản trong cả nước. Ảnh: Việt Linh. |
Nhìn lại chặng đường qua của Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương biểu dương những kết quả mà Hội và toàn thể đội ngũ những người làm xuất bản trong cả nước đã đạt được.
“Những kết quả công tác và thành tích mà Hội Xuất bản Việt Nam đạt được là rất đáng trân trọng, góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành xuất bản. Đảng và Nhà nước đánh giá cao hoạt động và những đóng góp của Hội Xuất bản Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
Những kết quả công tác, thành tích mà Hội Xuất bản Việt Nam đạt được là rất đáng trân trọng, góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành sách.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận Hội Xuất bản Việt Nam đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, hoạt động tích cực, góp phần xây dựng một nền xuất bản lành mạnh.
Hội đã tập hợp, đoàn kết, động viên, hướng dẫn hội viên phát huy tài năng, trí tuệ, tâm huyết, sáng tạo, thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong tuyên truyền, phổ biến, vận động thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và triển khai công tác của ngành.
Đặc biệt, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những đóng góp của Hội xuất bản Việt Nam trong việc từng bước nâng cao chất lượng và uy tín Giải thưởng Sách Quốc gia: “Giải thưởng Sách quốc gia đi vào nền nếp, có uy tín và tác động mạnh mẽ đến cộng đồng”.
Hội cũng tham mưu, tác động tích cực cho việc hình thành các chủ trương, chính sách góp phần phát triển hoạt động ngành xuất bản và nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gợi mở một số vấn đề để Hội Xuất bản Việt Nam có thể khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của mình, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong đó, ông nhấn mạnh Hội cần chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.
Hội Xuất bản tiếp tục đổi mới, hội nhập và phát triển
Những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Xuất bản Việt Nam trong nhiệm kỳ 2023-2028 đã được xác định tại Đại hội Đại biểu V. Trong nhiệm kỳ tới, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục kiên trì đẩy mạnh thực hiện 5 mục tiêu: Góp phần xây dựng nền xuất bản lành mạnh; Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành xuất bản; Đẩy mạnh hội nhập quốc tế; Xây dựng Hội vững mạnh, bổ sung và phát triển thêm một số nội dung trong từng mục tiêu cho phù hợp với tình hình mới trong nước và xu thế của thế giới.
Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V. Ảnh: Việt Linh. |
Các ban chuyên môn của Hội bám sát 5 mục tiêu đề ra, xây dựng chương trình hoạt động trong suốt cả nhiệm kỳ của ban mình, trong đó tập trung vào việc xây dựng kế hoạch tổ chức các hội thảo, tọa đàm.
Nhằm phát triển văn hóa đọc, Hội tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động của Công ty TNHH MTV Đường sách TP.HCM và các mô hình phát triển văn hóa đọc tại nông thôn, miền núi, trường học, doanh nghiệp, quân đội… để phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng, lan tỏa các điển hình tốt, mô hình hay trong cả nước và từng khu vực vùng kinh tế - xã hội; hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương hình thành thêm những phố sách, đường sách hoặc mô hình đọc sách mới thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn và từng đối tượng xã hội.
Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức, động viên các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, công ty sách tổ chức triển khai và làm tốt: Chương trình sách Quốc gia; Tủ sách về biển đảo; Tủ sách phục vụ cho người Việt Nam ở nước ngoài, tích cực phát hành xuất bản phẩm đến các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo...
Hàng năm, Hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tổ chức tốt Giải thưởng Sách Quốc gia; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ khi tham gia Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại và Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì.
Hội Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà xuất bản và các cơ quan hữu quan khác, tham gia quản lý việc xuất bản lịch blốc hàng năm.
Để nâng cao chất lượng nhân sự cho ngành xuất bản, Hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, một số đơn vị liên quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ ngành xuất bản; sớm tham gia phối hợp thành lập trung tâm pháp chế bảo vệ bản quyền tác giả sách; chống in và mua bán sách lậu, sách giả.
Trong điều kiện khi được Thủ tướng chính thức phê duyệt, thể chế hóa hoạt động của hội - với tư cách là một trong 30 hội quần chúng được Đảng và Nhà nước trực tiếp giao nhiệm vụ, Hội sẽ khẩn trương điều chỉnh, xây dựng cơ chế hoạt động trong tình hình mới theo hướng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Đổi mới và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Hội và ngành xuất bản trên Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến (Zing News).
Tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế với Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á và Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương; tăng cường quảng bá, cập nhật thông tin, số liệu, và những hoạt động tiêu biểu của ngành Xuất bản Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Hội Xuất bản Việt Nam được thành lập vào năm 2001, là hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong ngành Xuất bản, phát hành sách và các lĩnh vực liên quan đến xuất bản trên phạm vi cả nước; hoạt động theo nguyên tắc: tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.
Hội Xuất bản Việt Nam do Bộ Nội vụ thực hiện quản lý Nhà nước; Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chuyên ngành; Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo định hướng hoạt động.
Năm 2014, theo kết luận của Bộ Chính trị về hội quần chúng số 102-KL/TW đã nêu rõ “Hội Xuất bản Việt Nam được hưởng chế độ như các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp”. Đến năm 2020, theo Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 02/01/2020 của Ban Bí thư khóa XII về việc tiếp tục thực hiện kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới, theo đó Hội Xuất bản Việt Nam được đưa vào danh sách 30 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Tính đến hết tháng 5, Hội có 187 hội viên, trong đó có 167 hội viên tổ chức là nhà xuất bản, các cơ sở phát hành trên cả nước với số lượng người tham gia sinh hoạt thực tế trên 11.000 người và 20 hội viên cá nhân.