Ông Obama dùng thành ngữ “Chim hoàng yến trong mỏ than” để mô tả vị trí đặc biệt của các quốc đảo trong vấn đề biến đổi khí hậu, Guardian đưa tin ngày 8/11.
“Chim hoàng yến trong mỏ than” là thành ngữ nói về sự báo hiệu một mối nguy hiểm đang tới. Nó xuất phát từ câu chuyện thực tế về các thợ mỏ thường mang xuống mỏ than chim hoàng yến, loài chim này rất nhạy cảm với khí methane hay CO có thể rò rỉ trong mỏ. Một khi xảy ra sự rò rỉ như vậy, chim hoàng yến thường chết trước bất kỳ loài nào khác, từ đó thợ mỏ được cảnh báo và rời khỏi mỏ ngay lập tức, theo New York Times.
Mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết
Cựu Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng "các hòn đảo của chúng ta đang bị đe dọa hơn bao giờ hết", đồng thời ông ca ngợi Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden vì đã dành cho vấn đề này sự quan tâm đích đáng.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu đầu tiên tại hội nghị COP26 ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh ngày 8/11. Ảnh: Reuters. |
Ông nói rằng các nước giàu có “nên gánh vác nhiều hơn để đảm bảo rằng chúng ta đang hợp tác và giúp đỡ, hỗ trợ những người ít khả năng hơn nhưng dễ bị tổn thương hơn trước cuộc khủng hoảng sắp tới này".
Ông Obama khép lại bài phát biểu bằng một câu ngạn ngữ Hawaii: “Đoàn kết để tiến lên”.
“Đó là một lời nhắc nhở rằng nếu tất cả đều muốn chèo một chiếc thuyền, tốt hơn hết chúng ta nên chèo theo cùng một hướng và đồng thời, mọi mái chèo phải di chuyển cùng một lúc, đó là cách duy nhất để tiến về phía trước”, ông giải thích.
Phát biểu của ông Obama được đưa ra một tuần sau khi Tổng thống Joe Biden tham dự hội nghị, trong đó ông đã mở lời xin lỗi về việc người tiền nhiệm Donald Trump từ bỏ Hiệp định khí hậu Paris.
Theo Washington Post, trong bài phát biểu sắp tới tại COP26, cựu Tổng thống Obama dự kiến nói về di sản của ông về biến đổi khí hậu, thúc đẩy niềm hy vọng của những người trẻ tuổi khi đối mặt với sự hoài nghi và tuyệt vọng, đồng thời chỉ trích cả chính quyền của ông Donald Trump và lãnh đạo của các quốc gia vắng mặt tại sự kiện như Trung Quốc và Nga.
Giúp Mỹ lấy lại niềm tin của thế giới
Nhiều nước gây ô nhiễm nhất thế giới đã tuyên bố tăng cường cắt giảm lượng phát thải carbon trong những thập kỷ tới, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của đảo quốc Thái Bình Dương yêu cầu thế giới cần hành động ngay lập tức, chỉ ra rằng sự sống còn của các quốc gia vùng trũng, thấp đang bị đe dọa.
Trước COP26, có thông tin cho rằng 1/3 các quốc đảo và vùng lãnh thổ nhỏ ở Thái Bình Dương sẽ không có bất cứ nhà lãnh đạo nào tới hội nghị thượng đỉnh ở Glasgow do các hạn chế đi lại trong đại dịch.
Việc thiếu đại diện cấp cao của các quốc gia Thái Bình Dương tại cuộc họp dẫn đến lo ngại rằng mối quan tâm của những nước này sẽ không được trình bày một cách thích hợp tại hội nghị thượng đỉnh.
Vào tháng 10, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), mực nước biển dâng có thể đe dọa nhấn chìm Quần đảo Marshall, quốc gia nằm ở phía bắc Thái Bình Dương.
Sự xuất hiện của ông Obama tại hội nghị COP26 được cho là nhằm trợ giúp Tổng thống Joe Biden lấy lại niềm tin của thế giới vào vai trò lãnh đạo của Mỹ trên vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời đưa liên minh toàn cầu trở về đúng hướng sau 4 năm nước Mỹ dưới thời ông Donald Trump, các phụ tá và bạn bè của ông Obama nói với CNN hồi tuần trước.
Ý tưởng về chuyến đi tới COP26 của ông Obama xuất phát từ lời gợi ý của các nhà hoạt động vì biến đổi khí hậu. Nhưng ý tưởng ấy chỉ thật sự thành hình sau các cuộc trao đổi với John Kerry, cựu Ngoại trưởng dưới thời ông Obama và đặc phái viên về biến đổi khí hậu của ông Biden, nguồn thạo tin nói với CNN.
John Kerry, cựu Ngoại trưởng dưới thời ông Obama và đặc phái viên về biến đổi khí hậu của ông Biden, cùng cựu Tổng thống Barack Obama tại Glasgow hôm 8/11. Ảnh: AFP. |
Chuyến đi của ông Obama phản ánh việc cả trong và ngoài Nhà Trắng lúc này đều nhận ra rằng niềm tin mà quốc tế đặt vào Mỹ đã suy giảm dưới thời ông Trump. Không chỉ vậy, chuyến đi này còn cho thấy Mỹ ý thức được việc ông Obama có khả năng kết nối tốt hơn với công dân toàn cầu so với tổng thống Mỹ đương nhiệm.
COP26 là tên viết tắt của Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Đây là sự kiện thường niên được Liên Hợp Quốc tổ chức nhằm đánh giá quá trình ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ở quy mô toàn cầu.
Sự kiện này vốn dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020, nhưng bị hoãn một năm do đại dịch Covid-19.