Ông Obama và 5 'nút thắt' đối ngoại
Sau khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ, mối đe dọa từ chương trình làm giàu uranium của Iran trở thành ví dụ điển hình nhất về thách thức đối với chính sách ngoại giao đối với ông Barack Obama; trong khi các vấn đề khác như các chiến dịch máy bay không người lái hay biến đổi khí hậu… cũng trở nên cấp thiết.
Iran
Một cuộc "mặc cả" lớn sẽ sớm diễn ra ở Washington khi trong thời gian tới, khi chính quyền Tổng thống Obama sẽ phải nỗ lực hết mình để đạt thỏa thuận với đảng Cộng hòa, nhằm chung tay kéo nền kinh tế nước Mỹ thoát khỏi bờ vực suy thoái.
Bên ngoài nước Mỹ, một cuộc "mặc cả" không kém phần gay cấn cũng sẽ diễn ra giữa Washington và Tehran về việc ngăn chặn quốc gia Hồi giáo này từ bỏ con đường phát triển vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Mỹ sẽ gỡ bỏ các lệnh cấm vận khắc nghiệt của mình…và trong khả năng nào đó, sẽ bình thường hóa quan hệ với Iran.
Nhưng một cuộc mặc cả lớn như vậy không thể nào chỉ diễn ra trong một sớm một chiều, hầu hết các ý kiến chuyên gia đều cho rằng chỉ riêng thời kỳ chuyển tiếp ở Mỹ sắp tới cũng đủ khiến bất kỳ một nhà lãnh đạo nào phải đau đầu. Tuy nhiên, các vòng đàm phán với Iran – vốn bị đóng băng bấy lâu – đã dần lấy lại xung lực nhờ tác động của kỳ bầu cử Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh cả Iran và cộng đồng quốc tế đều đã thấm thía ảnh hưởng tiêu cực từ lệnh cấm vận đối với quốc gia Hồi giáo.
Việc định hình về mối đe dọa từ chương trình hạt nhân Iran đã sớm có trong bài học nằm lòng của cả hai chính đảng ở Mỹ. Nhưng chính sách ứng phó với Tehran của Washington sẽ chỉ được gợi mở sau khi Israel quyết định xem Iran có vượt "lằn ranh đỏ” về hạt nhân hay không – ước tính trong mùa xuân hoặc mùa hè năm sau.
Syria
Một số chuyên gia về khu vực Trung Đông tin rằng cuộc bầu cử Mỹ sẽ không làm thay đổi cục diện ở Syria, và chính quyền Tổng thống Obama sẽ ngày càng tỏ rõ lập trường ủng hộ phe nổi dậy ở quốc gia này. Điều này bắt nguồn từ lý do mà chính phủ Mỹ đưa ra rằng, cuộc nội chiến ở Syria ngày càng có dấu hiệu lan rộng sang các quốc gia lân cận và có nguy cơ bao vây toàn bộ khu vực vốn được coi là nguy hiểm nhất thế giới này.
Nhưng những tín hiệu từ Nhà trắng lại cho thấy Mỹ chưa bao giờ nghĩ tới chuyện cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria. Tính đến thời điểm này, chính quyền Obama vẫn cố gắng tránh cho Mỹ khỏi liên quan tới chiến sự ở Syria, cũng như hạn chế các nguồn hỗ trợ cho phe nổi dậy ở nước này.
Vấn đề mà Mỹ phải tính toán kỹ là, một khi tuồn vũ khí vào chiến trường này, có nhiều khả năng lượng vũ khí đó sẽ rơi vào tay các phiến quân Hồi giáo cực đoan – đang có dấu hiệu hồi sinh và có ảnh hưởng tới phe nổi dậy ở Syria. Nhiều chuyên gia cho rằng, ông Obama sẽ buộc phải công khai hợp tác với phe nổi dậy ở Syria nếu không muốn tầm ảnh hưởng ở khu vực này rơi vào tay các phe phái Hồi giáo cực đoan.
Mỹ đã từng thảo luận với các đồng minh NATO – trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ - về biện pháp nhằm thiết lập vùng cấm bay trên một số khu vực hoặc hoàn toàn đối với Syria, nhưng bị Lầu năm góc bác bỏ.
Afghanistan và Pakistan
Một nhiệm vụ hóc búa đối với Tổng thống Obama trong thời gian tới là phải cấu trúc lại sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan từ giờ cho tới cuối năm 2014 cùng các đồng minh NATO, đồng thời đảm bảo với Pakistan rằng Mỹ vẫn không hề bỏ rơi khu vực này.
Mỹ đã nhìn nhận việc Pakistan từ bỏ hoàn toàn chiến lược của mình trước đây – liên hệ mật thiết với phiến quân Taliban để gây ảnh hưởng với Afghanistan. Nhưng dường như Pakistan vẫn muốn chờ đợi và quan sát đối thủ Ấn Độ của mình ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng đối với Afghanistan dưới danh nghĩa nước Mỹ.
Bên cạnh đó là hàng loạt câu hỏi khó về mối quan hệ Mỹ-Afghanistan lâu nay: Liệu quân đội Afghanistan sẽ sẵn sàng nhận trách nhiệm quản lý an ninh đất nước từ Mỹ trước năm 2014? Liệu các vòng đàm phán giữa Mỹ và Taliban – chưa từng được bắt đầu – sẽ có kết quả? Và điều gì sẽ xảy ra đối với thành quả mà người dân Afghanistan đạt được – giáo dục, y tế, đà phát triển – dưới sự hiện diện lâu dài của Mỹ?
Trung Quốc và Nga
Một điều chắc chắn mà ông Obama không thể làm được sau ngày nhậm chức, đó là tuyên bố Trung Quốc đã "thao túng tiền tệ”; đây chính là điều mà ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney thề sẽ làm ngay ngày đầu tiên làm việc ở Nhà trắng nếu đắc cử. Mối quan hệ với Trung Quốc sẽ còn là một thách thức đối với chính quyền Obama trong nhiệm kỳ tới, cũng giống như mối quan hệ với một thế lực khác là Nga.
Trung Quốc, nơi đang diễn ra quá trình chuyển tiếp quyền lực 10 năm có 1, vẫn luôn nghi ngờ mục tiêu thực sự của Mỹ đằng sau chiến lược tập trung cho châu Á của ông Obama. Bắc Kinh coi sự xuất hiện của Washington đằng sau các tranh chấp lãnh thổ chồng chéo trong khu vực như một sự quấy nhiễu, và coi đòi hỏi của Mỹ trong việc đa phương hóa các tranh chấp trên biển Đông là vô lý.
Cùng lúc, việc Mỹ - dưới chính quyền Obama – tăng cường quan hệ với các đồng minh lâu năm trong khu vực, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Australia…được Bắc Kinh nhìn nhận như một phần của kế hoạch vây hãm họ, trong khi Mỹ lại bác bỏ.
Trung Quốc cũng nghi ngờ cả sự ủng hộ của chính quyền Obama đối với tiến trình dân chủ ở một số quốc gia láng giềng của họ. Đáng chú ý nhất phải nói tới tiến trình dân chủ ở Myanmar, nơi ông Obama sẽ có chuyến thăm lịch sử ngay trong tháng này, trong chuyến công du Đông Nam Á của mình.
Ngoài việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông nam Á (ASEAN) tại Lào, ông Obama sẽ có điểm dừng chân ở Thái Lan. Điểm dừng chân ở Myanmar đánh dấu sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tiến trình chuyển tiếp từ chế độ quân sự sang chế độ dân chủ, mà giới quan sát Trung Quốc nhìn nhận là hành động khiêu khích.
Đối với Nga, ông Obama dường như không thể tạo dựng được mối quan hệ với Tổng thống Vladimir Putin như từng làm với ông Dmitry Medvedev. Trong nhiệm kỳ thứ nhất của mình, ông Obama từng được giới chuyên gia tung hô trong việc "tái thiết” mối quan hệ Nga-Mỹ dưới thời Tổng thống Medvedev. Tuy nhiên, những khoảnh khắc đó đã qua đi, khi Nga-Mỹ trở lại bất đồng về nhiều vấn đề, trong đó Syria sẽ còn là một nhân tố gây đóng băng mối quan hệ này.
Xung đột Israel-Palestine
Để kết lại nhiệm kỳ thứ nhất, ông Obama từng tuyên bố trước Nhà trắng trong ngày đầu tiên tại văn phòng sau bầu cử rằng ông sẽ nỗ lực hết sức để đoạt chiếc "chén thánh” cho chính sách ngoại giao của mình: Một bản hiệp ước hòa bình giữa Israel và Palestines.
Thế nhưng, chính quyền Obama đã từng thề rằng sẽ có biện pháp mạnh tay với người Palestine nếu như Tổng thống nước này, Mahmoud Abbas, vẫn cố gắng tranh thủ sự ủng hộ từ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (11/2011). Bên cạnh đó, lễ nhậm chức của ông Obama kết thúc cũng là thời điểm rậm rịch các chiến dịch tranh cử ở Israel, bởi vậy khó có chỗ cho các tiến trình hòa bình.
Giới phân tích đều cho rằng đương kim Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ dễ dàng tại vị trong cuộc bầu cử năm tới. Và nếu ông Netanyahu tiếp tục tại vị, ai có thể khẳng định rằng một nhân vật luôn nóng lòng tổ chức không kích vào các cơ sở hạt nhân Iran sẽ chú tâm tới hiệp ước hòa bình với Palestine.
Hơn nữa, dù chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Israel thì cặp đôi Netanyahu và Obama – vốn có mối quan hệ khá lạnh nhạt thời gian qua – sẽ lại phải đối mặt với mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên. Và mối quan hệ đồng minh Mỹ-Israel cũng hứa hẹn cho thấy nhiều bất đồng về một vấn đề không mới: Làm gì với Iran?
Theo Đại Đoàn Kết