Sáng 26/7, gần 500 đại biểu Quốc hội khóa XV bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước.
Là nhân sự duy nhất được đề cử, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhận được sự tín nhiệm cao của các đại biểu để giữ cương vị Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
483/483 đại biểu Quốc hội có mặt cũng đã biểu quyết thông qua nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu.
Ngay sau khi được bầu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi thức tuyên thệ. Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, Chủ tịch nước tuyên thệ: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nỗ lực công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.
Ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Thuận Thắng. |
Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hứa trước Quốc hội và đồng bào sẽ luôn tu dưỡng đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thượng tôn pháp luật và tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp, thực hiện trọn vẹn đầy đủ mọi nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù khó khăn hay thuận lợi, ông hứa luôn giữ và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa và truyền thống thiêng liêng của dân tộc, vì sự phát triển lớn mạnh, toàn diện và bền vững của đất nước ta.
Chủ tịch nước cũng cam kết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong đó có đội ngũ trí thức trong và ngoài nước; tiếp tục cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, quan tâm thường xuyên, sâu sắc hiệu quả đối với việc xây dựng QĐND, CAND cách mạng chính quy, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, luôn giữ gìn cuộc sống bình an cho nhân dân và sẵn sàng bảo vệ vững chắc nền hòa bình, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ta.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Quốc hội chúc mừng ông Nguyễn Xuân Phúc tái đắc cử chức Chủ tịch nước. Ảnh: Thuận Thắng. |
Xúc động khi được cử tri hai huyện là cái nôi của cách mạng miền Nam gồm Hóc Môn và Củ Chi bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc đoàn TP.HCM, Chủ tịch nước nói đây là vinh dự lớn với ông. Ông cho rằng mọi thành quả của chúng ta sẽ không bao giờ trọn vẹn, khi những địa phương, những vùng đất giàu truyền thống cách mạng như vậy chưa phát triển tương xứng với bề dày lịch sử và với tiềm năng.
“Chúng ta day dứt khi những hộ nghèo trên khắp cả nước còn có gia đình chính sách, người có công, con em, thân nhân những người đã có nhiều đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời chiến lẫn thời bình”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Trong hoạch định chính sách và chỉ đạo điều hành, Chủ tịch nước nhận định chúng ta luôn chú trọng tăng trưởng bền vững và phát triển hài hòa trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Đại dịch Covid-19, theo Chủ tịch nước, xét trên nhiều phương diện là nghiêm trọng, chưa từng có trong lịch sử nhân loại. “Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư với khả năng lây lan mạnh bởi biến thể Delta, tôi tin vào sức mạnh Diên Hồng của dân tộc ta, sức mạnh đoàn kết vô địch của nhân dân ta, niềm tin vào quyết tâm của Chính phủ về một Việt Nam quyết thắng trong đẩy lùi, kiểm soát đại dịch Covid-19 để Việt Nam tiếp tục làm nên những mốc son phát triển mới”, ông tin tưởng.
Cách đây hơn 3 tháng, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, ông Phúc - khi đó là Thủ tướng đã được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch nước. Đó cũng là lần đầu tiên một Thủ tướng đương nhiệm được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa (X, XI, XII, XIII); Ủy viên Bộ Chính trị 3 khóa (XI, XII, XIII) và là đại biểu đại biểu Quốc hội 3 khóa (XI, XII, XIV).
Từ cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông trở thành Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ 1993 đến 1996, ông làm Giám đốc Sở Du lịch kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch Furama Đà Nẵng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Nhiệm kỳ tiếp đó, ông là Phó chủ tịch rồi Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam. Từ 2001 đến 2006, ông Phúc giữ cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; đại biểu Quốc hội khoá Xl; Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam.
Trong con đường sự nghiệp, ông có giai đoạn ngắn (3/2006-5/2006) giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ. Từ 2007, ông Phúc chuyển sang giữ cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.
Từ 2011 đến 2016, ông lần lượt được bầu vào Bộ Chính trị khóa XI và khóa XII, giữ chức Phó thủ tướng… Tháng 4/2016, Quốc hội khóa XIII tín nhiệm bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016, kế nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng. Ba tháng sau, Quốc hội khóa XIV tiếp tục quy trình kiện toàn nhân sự, bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021.
Tại Đại hội Đảng XIII diễn ra hồi tháng 1/2021, ông Phúc tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và được bầu vào Bộ Chính trị.