Chiều 24/7, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ở Tổ 2 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), trước khi đề cập đến nội dung chính, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những nỗ lực và kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, khi ông giữ cương vị Thủ tướng.
Hơn 10.000 lễ hội là quá nhiều
Năm 2019 là dấu mốc được đánh giá là “năm tốt nhất, ấn tượng nhất" trong 5 năm ông làm Thủ tướng. Từ những biến cố hạn mặn lịch sử ở Tây Nam Bộ năm 2016 hay sự cố môi trường Formosa, Chủ tịch nước nhấn mạnh đó là động lực để chúng ta cố gắng vươn lên trong những năm sau đó.
Giai đoạn 2018-2019, chúng ta đạt được nhiều kết quả toàn diện, đóng góp lớn vào thành quả chung. Đó cũng là năm mở ra quan hệ quốc tế toàn diện và ghi dấu ấn của Việt Nam qua nhiều hội nghị quốc tế quan trọng. Nhờ nỗ lực, Việt Nam đã vượt Malaysia và Singapore để vươn lên thứ tư trong khối ASEAN, sau Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc có đến hơn 10.000 lễ hội là quá nhiều, cần rà soát lại để tiết kiệm hợp lý hơn. Ảnh: Hồng Phong. |
Nhắc lại năm khởi nguồn của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết đó là khi tăng trưởng của Việt Nam dù cao nhất ASEAN, vẫn có sự chênh lệch lớn khi tăng trưởng giảm từ 6,8% xuống 2,91%. Song theo ông, đó cũng là giai đoạn xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh đến mức “ngỡ ngàng”.
Đề cập đến vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch nước cho biết có nhiều việc cần quan tâm, làm sao để mỗi nhà, mỗi người, các tổ chức đẩy mạnh tiết kiệm. Nhưng bên cạnh đó, cần chú trọng việc kích thích tiêu dùng.
“Chúng ta hồi trẻ chỉ cần có cái áo lành để mặc chứ đâu cần áo hoa. Nhưng bây giờ xã hội thay đổi mình cũng phải thay đổi xu hướng, không thể cứ áp dụng kiểu cũ quá không cần thiết”, Thủ tướng ví von và nhấn mạnh kích thích tiêu dùng rất quan trọng.
Ví dụ lễ hội nhiều quá không cần thiết, nhưng đó cũng là nguồn lực rất quý báu của dân tộc. Chủ tịch nước lưu ý việc có đến hơn 10.000 lễ hội là quá nhiều, cần rà soát lại để tiết kiệm hợp lý hơn.
Dẫn chứng các công trình dở dang như Dự án Nhà máy thép Thái Nguyên, Nhiệt điện Thái Bình 2… với hàng chục nghìn tỷ được đầu tư nhưng thua lỗ kéo dài, hay những dự án quy hoạch treo gây lãng phí nguồn lực Nhà nước rất lớn, Chủ tịch nước mong rằng các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để làm sao tiết kiệm, tạo nguồn lực cho đất nước.
Dẫn câu nói “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, Chủ tịch nước nhấn mạnh người dân cần có tích lũy nên phải tiết kiệm ở từng cấp, từng ngành.
Lãng phí đôi khi còn lớn hơn tham nhũng
Thảo luận tại Tổ 14, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định “đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”. Theo ông, chỉ tính riêng các dự án treo, nếu các địa phương tiến hành rà soát và tập trung giải quyết dứt điểm sẽ tạo chuyển biến lớn, tạo được nguồn lực lớn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định “đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng”. Ảnh: Hồng Phong. |
Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn một ví dụ khác về việc lãng phí các tầng thương mại của một số khu nhà tái định cư, vì vướng cơ chế, quy định về đấu thầu, đấu giá dẫn đến không thể cho thuê, không thể khai thác thương mại, bỏ không gây lãng phí lớn.
Nói về tiết kiệm, Chủ tịch Quốc hội đề cập giai đoạn 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, chi phí cho công tác nước ngoài được cắt giảm đã tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước, hay việc cắt giảm chi thường xuyên tạo dư địa để phát triển.
Ông Huệ cho hay ngay tại kỳ họp lần này của Quốc hội, những chi phí không thực sự cần thiết như hoa trang trí đều được cắt giảm tối đa, từ đó vừa tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm được thời gian, công sức chuẩn bị.
Nhận định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ trước đến nay chưa được thực sự quan tâm đúng mức, ông Huệ nhấn mạnh lần này Quốc hội quyết tâm tiến hành giám sát nhằm đánh giá đúng tình hình, từ đó có giải pháp thực hiện hiệu quả, tạo ra nguồn lực phát triển.