Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên họp tổ chiều 24/7.
Phát biểu tại Tổ 19, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành hơn 20 phút để nói về hai nội dung quan trọng. Một là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hai là xây dựng thể chế.
Cứ chia cắt, manh mún thì không làm được gì lớn
Nêu ý kiến về vấn đề tiết kiệm, Thủ tướng đồng ý với nhiều quan điểm rằng “ai cũng thấy có những lãng phí”.
Theo ông, chúng ta quán triệt phải tiết kiệm nhưng chưa có kỷ luật về tiết kiệm cho chặt chẽ hơn. Mà đây là việc “vừa phải có giáo dục, nâng cao nhận thức, vừa phải có thể chế, kỷ luật kỷ cương” mới làm có hiệu quả được.
Thủ tướng nhắc lại Nghị quyết 45 của Chính phủ hồi tháng 5 vừa rồi nêu rõ “tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2021 để chi cho phòng, chống Covid-19 và những việc đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra”. Ông đề nghị Bộ trưởng Tài chính phải tính toán ngay từ khi cấp ngân sách.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc đầu tư công trình nhỏ lẻ, manh mún chính là lãng phí. Ảnh: Hồng Phong. |
“Song song với thể chế, kỷ luật chi tiêu, kỷ luật xây dựng ngân sách phải được quan tâm”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Nhắc đến lãng phí, ông nói có thể nhìn thấy những vấn đề như dự án kéo dài, chia cắt, manh mún. Đây chính là lãng phí. Chia sẻ về giải pháp, Thủ tướng cho rằng phải kết hợp hài hòa giải pháp “từ dưới lên” và “từ trên xuống”.
Nếu chỉ theo giải pháp “từ dưới lên” thì nhu cầu rất lớn. Mức đầu tư hơn 2,8 triệu tỷ “chưa thấm vào đâu” so với nhu cầu các bộ, ngành, địa phương đưa lên vì nơi nào cũng muốn có công trình.
Kể lại hồi năm 2011 khi làm bí thư tỉnh ủy, ông Chính cho biết đã chỉ đạo HĐND tỉnh rà soát 3.650 dự án với mức đầu tư chỉ có 3.000 tỷ đồng. Tức là mỗi dự án được đầu tư chưa đến 1 tỷ, rất manh mún và chia cắt. Và quan trọng nhất là kéo dài, lãng phí nguồn lực.
“Vừa qua, các tỉnh có lên trao đổi với tôi. Ví dụ, có những con đường 400-500 tỷ thôi mà 13 đời bộ trưởng rồi vẫn chưa xong. Lần này nếu bố trí như thế này cũng chưa xong”, Thủ tướng dẫn chứng. Đó là lý do ông nhấn mạnh phải có sự kết hợp hài hòa các giải pháp.
Việc dự án kéo dài hàng chục năm cũng là nguyên nhân gây lãng phí, mất cân đối, khiến tỷ lệ đầu tư công của nhiệm kỳ trước bị “đảo chiều”. Theo tính toán, đầu tư công của Trung ương là 56% và 44% của địa phương, nhưng khi quyết toán lại “đảo chiều” thành Trung ương gần 44% còn địa phương là 56%.
So sánh tỷ lệ đầu tư của nhiều nước là “đầu tư 3-4 đồng để thu lại 1 đồng”, Thủ tướng cho biết tỷ lệ này ở nước ta là đầu tư 6,3 đồng mới thu được 1 đồng. Đây cũng là lãng phí, làm cho nguồn lực hao hụt.
Từ sự lãng phí này, Thủ tướng quán triệt “phải làm triệt để”. Chính phủ vì thế đã chỉ đạo rà soát 11.100 dự án của khóa trước. Sau đó các đơn vị đề xuất, tổng hợp lên còn hơn 7.000 dự án nhưng Thường trực Chính phủ quyết định phải cắt xuống còn dưới 5.000 dự án, đặc biệt, cắt những dự án chưa được phê duyệt.
“Cái này quan trọng lắm. Nếu cứ chia cắt, manh mún thì không làm được cái gì lớn. Cái gì cũng một tí, một tí thì kéo dài, không tạo ra được động lực”, Thủ tướng nói thêm.
Tồn đọng thể chế làm ảnh hưởng nguồn lực xã hội
Đề cập đến thể chế, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh “phải thượng tôn pháp luật”. Từ Đại hội XI, 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, con người và hạ tầng đã được xác định. Đến nay, sau 3 kỳ Đại hội Đảng, ba nội dung này vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, hạ tầng vẫn được coi là “nút thắt” chưa được giải quyết.
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên họp tổ chiều 24/7. Ảnh: Hồng Phong. |
Theo người đứng đầu Chính phủ, thực tế diễn biến cuộc sống nhanh hơn rất nhiều so với các quy định của luật và có những yếu tố rất khó lường. “Tôi vẫn nói đùa tối nay làm thấy rất hay, nhưng sáng hôm sau thấy thông tin lạc hậu rồi. Hoặc giống như Bộ luật Hình sự được làm đi làm lại trong mấy nhiệm kỳ, nhưng giờ các cơ quan liên quan vẫn đề xuất phải sửa đổi, bổ sung”, Thủ tướng dẫn chứng và cho rằng cần chia sẻ với những người làm luật.
Theo ông, các cơ quan, đơn vị cố gắng làm để hoàn thiện thể chế, vừa làm vừa mở rộng dần, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội. "Phải có tư tưởng đó để xử lý các vấn đề cho linh hoạt”, Thủ tướng nói và dẫn chứng ngay việc Chính phủ đề xuất bổ sung nội dung phòng, chống dịch Covid-19 vào nghị quyết của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.
Ông cho rằng khi tình hình không áp lực thì thấy bình thường, nhưng tình hình diễn biến khôn lường, khó khăn, phức tạp thì mới thấy áp lực lớn.
Bên cạnh những điểm tích cực, Thủ tướng thừa nhận vẫn còn những tồn đọng cần khắc phục. Ông chia sẻ nhiều định hướng khắc phục của Chính phủ. Trước hết là giao các cấp, ngành, các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh rà soát vướng mắc, tồn đọng và những cái thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định.
Hướng thứ hai là “giao cho người đứng đầu”. “Trước đây, đời Thủ tướng nào cũng rất quyết liệt trong chủ trương này. Lần này chúng tôi cũng giao người đứng đầu các bộ và chủ tịch UBND tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo xây dựng thể chế, không giao cho cấp phó”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ trương thứ ba được lãnh đạo Chính phủ đề cập là bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, cái gì đã chín, đã rõ thì luật hóa, cái gì còn nhiều ý kiến khác nhau thì phải thí điểm.
Bốn là vấn đề đầu tư cho xây dựng pháp luật. Trong điều kiện “nhà nghèo mà phải chi nhiều thứ", Thủ tướng cho rằng cần cân đối. Song ông cũng thừa nhận chi cho xây dựng pháp luật còn khiêm tốn.
Định hướng thứ năm, Thủ tướng đề cập đến nguồn lực con người. Theo ông, phải trưng dụng những người hiểu biết về luật pháp, tham gia quản lý và cả người hoạt động thực tiễn. Cùng với đó, phải tổ chức công việc và phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ, có hiệu quả.
Ông một lần nữa nhấn mạnh tồn đọng thể chế không những làm ảnh hưởng đến quản lý mà còn làm ảnh hưởng đến nguồn lực xã hội.