Mục tiêu này được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh khi chủ trì hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", diễn ra ngày 4/7.
Tạo cơ chế cho Thanh Hóa phát triển đột phá
Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt với truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng; có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh; có nhiều tiềm năng, lợi thế với nguồn lực to lớn về đất đai, con người, giao thông thuận tiện.
Ông Bình ghi nhận các kết quả to lớn Thanh Hóa đã đạt được thời gian qua, dù so với tiềm năng chỉ là bước đầu, đã cho thấy địa phương có những bước khởi sắc rất mạnh mẽ, vươn lên đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và nằm trong các tỉnh dẫn đầu của cả nước.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng Thanh Hóa cần có bước đi và lộ trình phù hợp, trong mỗi giai đoạn cần xác định trọng tâm trọng điểm. Ảnh: Thành Trung. |
Với các kết quả đạt được và với các tiềm năng, lợi thế to lớn của tỉnh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh mục tiêu phát triển Thanh Hóa không phải chỉ cho địa phương mà cho cả vùng và cả nước, không chỉ đối với phát triển kinh tế xã hội mà còn cả quốc phòng an ninh.
Vì thế, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định cho xây dựng đề án để tiến tới ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa tới 2030, tầm nhìn 2045.
Về hướng phát triển thời gian tới, với tiềm năng to lớn đa dạng trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kinh tế biển…, ông Bình cho rằng Thanh Hóa cần có bước đi và lộ trình phù hợp, trong mỗi giai đoạn cần xác định trọng tâm trọng điểm.
“Nghị quyết ‘Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045’ phải tạo ra các cơ chế chính sách cho Thanh Hóa phát triển đột phá, để Thanh Hóa vì cả nước và cả nước vì Thanh Hóa, cũng chính là để hiện thực hóa được lời căn dặn của Bác về việc muốn Thanh Hóa trở thành một tỉnh kiểu mẫu”, ông Bình nhấn mạnh.
Dựa trên thế mạnh và nền tảng đã đạt được, ông đề nghị Thanh Hóa phải là một tỉnh công nghiệp trong tương lai, trong đó có tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Bên cạnh lọc dầu, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần có cụm công nghiệp để sử dụng hết đầu ra của tổ hợp, tránh xuất thô, thay vào đó tạo ra các sản phẩm hóa dầu có giá trị gia tăng cao, đem lại nguồn thu lớn hơn nhiều cho tỉnh.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thành Trung. |
Ngoài ra, với đặc thù đất rộng, người đông, ông Bình định hướng tỉnh cần phát triển nông nghiệp nhằm đảm bảo sinh kế, thu nhập của nhân dân và đảm bảo các vấn đề trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế biển; quan tâm vấn đề liên kết vùng; tập trung khai thác tốt nguồn lực lớn của Thanh Hóa về văn hóa và con người phục vụ quá trình phát triển bền vững và lâu dài của tỉnh.
“Lo cho chính mình và đóng góp xứng đáng cho Trung ương”
Đây là mục tiêu được Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nhắc đến.
Ông Chiến nhận định đây là lúc cần thiết Thanh Hóa phải định vị lại chính mình trong sự phát triển chung của vùng và cả nước để thực hiện được hai việc. Thứ nhất là lo cho chính mình và thứ hai là đóng góp xứng đáng cho Trung ương.
“Điều kiện và thời cơ để Thanh Hóa tiếp tục cất cánh đột phá, trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc đã chín muồi”, ông Chiến nói.
Song theo ông, để thực hiện được điều đó, Thanh Hóa rất cần có đường hướng và cơ chế chính sách đặc biệt để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của một địa phương mà dư địa cho phát triển còn rất lớn.
Ông kỳ vọng Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành sẽ là định hướng để lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ và gần 3,7 triệu người dân Thanh Hóa phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.
Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nêu mục tiêu cho 2 việc là Thanh Hóa phải lo cho chính mình và đóng góp xứng đáng cho Trung ương. Ảnh: Thành Trung. |
“Hơn lúc nào hết, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang quyết tâm rất cao và khát vọng mãnh liệt để từng bước thực hiện lời dạy của Người”, ông Chiến nhấn mạnh khi nhắc đến lời Bác Hồ từng nói về việc muốn Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu.
Để thực hiện mục tiêu này, phía doanh nghiệp cũng thấy rõ được những thay đổi, cải cách từ phía chính quyền địa phương.
Ông Park Hee Young, Phó tổng giám đốc Công ty Điện Nghi Sơn 2, chia sẻ ông nhìn nhận được sự quản lý chuyên nghiệp của UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và tiềm lực phát triển ngành công nghiệp tại Nghi Sơn.
Vì thế, công ty ông đã quyết định đến Nghi Sơn đầu tư vào dự án BOT Nghi Sơn 2. “Tôi tin rằng cái nhìn của Ban quản lý Dự án là hoàn toàn chính xác, Nghi Sơn là địa điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước”, ông Hee Young nói.
Góp ý thêm vào chính sách phát triển của tỉnh, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển) nhấn mạnh Thanh Hóa có vùng biển rộng gấp 1,6 lần diện tích đất liền, là nơi có triển vọng phát triển.
Vì thế định hướng cần phát triển du lịch biển thành ngành kinh tế tổng hợp, ưu tiên cao.
“Trước hết cần rà soát, điều chỉnh không gian phát triển du lịch ven biển, du lịch đảo hiện nay; chú ý đến thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các dự án đầu tư lớn vào du lịch cao cấpvà hệ thống dịch vụ du lịch hiện đại”, ông Hồi nói.
Ngoài ra, cần hướng tới phát triển ngành dầu khí và tính đến nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng cho tương lai. Theo đó, cần nghiên cứu, chuẩn bị chiến lược phát triển năng lượng điện gió (phong điện), điện mặt trời, điện dòng chảy biển, điện sóng biển.
Về hạ tầng giao ông, Phó vụ trưởng Vụ KH&ĐT Nguyễn Bách Tùng (Bộ GTVT) nêu nhiều định hướng về việc phát triển hệ thống đường sắt, trong đó có mục tiêu nghiên cứu, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, xây dựng tuyến đường sắt nhẹ hoặc metro kết nối Cảng hàng không Thọ Xuân với thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn đường sắt từ khu vực Lam Sơn - Sao Vàng - cảng hàng không Thọ Xuân về khu kinh tế Nghi Sơn theo các quy hoạch của địa phương.
Trong quy hoạch cảng hàng không, ông Tùng đề cập mục tiêu quy hoạch cảng hàng không Thọ Xuân là cảng hàng không quốc tế, đến năm 2030 công suất nhà ga Cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân đáp ứng khoảng 5 triệu lượt hành khách/năm.