Chiều 21/2, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chủ trì Hội nghị cho ý kiến về dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025. Tham dự hội nghị còn có ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La.
"Ban Kinh tế Trung ương đều thống nhất đánh giá báo cáo của Sơn La đã bám sát chỉ đạo của Trung ương. Tuy nhiên, để phát triển nhanh, bền vững hơn nữa, tỉnh phải làm sâu sắc thêm nhiều nội dung trong báo cáo này", ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị cho ý kiến về dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Sơn La. Ảnh: Thành Trung. |
Cần thấy rõ vị trí của tỉnh để định hướng phát triển
Theo báo cảo của tỉnh Sơn La, sau 5 năm phát triển, kinh tế của tỉnh duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, quy mô kinh tế tăng nhanh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm đạt 6,18%/năm.
Ngoài ra, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020 ước đạt 55.590 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 43,9 triệu đồng/người, tăng 13 triệu đồng so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra.
Mục tiêu cuối cùng của các văn kiện là đảm bảo cho mọi người dân đều được tham gia vào quá trình phát triển
Trong giai đoạn này, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp, hiện đại. Ngành công nghiệp xác định cơ cấu theo hướng sản xuất, chế biến sâu gắn với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, ngành nông nghiệp gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, công tác giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tỉnh Sơn La cũng chú trọng vào việc bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của tỉnh Sơn La trong việc chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII. Hướng tới các nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh cần đánh giá hết các tiềm năng, lợi thế của tỉnh Sơn La so với các địa phương trong vùng và cả nước, từ đó thấy rõ vị trí của mình và xây dựng lộ trình phát triển thích hợp.
"Các chỉ tiêu đưa ra phải cụ thể và khả thi. Mục tiêu cuối cùng của các văn kiện là đảm bảo cho mọi người dân đều được tham gia vào quá trình phát triển và được hưởng thụ xứng đáng với các thành tựu của địa phương", ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Mục tiêu của Sơn La là phát triển xanh
"Sơn La là một tỉnh trọng điểm bảo đảm hệ sinh thái cho Đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và phía Bắc nói chung. Thủy điện ở đây, nguồn nước ở đây không đảm bảo thì Sơn La bị hại ít, cả vùng đồng bằng bị hại nhiều", ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Bình góp ý tỉnh Sơn La cần lấy phát triển xanh làm mục tiêu. Ảnh: Thành Trung. |
Ông góp ý tỉnh Sơn La cần lấy phát triển xanh làm mục tiêu. Để đạt được mục tiêu ấy, kinh tế của tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường như cây ăn trái và một số cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc.
Nhiệm vụ phát triển rừng mang tính chất sống còn với Sơn La và cả khu vực
Tỉnh cũng cần ưu tiên các ngành chế biến nông sản, không nên đưa vào công nghiệp gây ô nhiễm. Để thúc đẩy sản xuất và mở rộng thị trường, ngành công nghiệp logistic cần được nghiên cứu và mở rộng.
Để hạn chế các vấn đề môi trường, tránh ảnh hưởng đến diện tích rừng và đất canh tác nông nghiệp của người dân, tỉnh cần hạn chế các thủy điện vừa và nhỏ, nghiên cứu các dạng năng lượng tái tạo khác.
"Nhiệm vụ phát triển rừng mang tính chất sống còn với Sơn La và cả khu vực. Bên cạnh cây ngắn ngày phải có kế hoạch tăng diện tích trồng cây lâu năm", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.
Đối với phát triển du lịch, đây là ngành kinh tế mũi nhọn của Sơn La, tuy nhiên không nên quá kỳ vọng. Ông Bình cho rằng khó để biến Sơn La thành một trung tâm du lịch lớn trong hiện tại mà cần từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh đối với du khách trong nước và quốc tế.