Chiều 9/1, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình thăm và làm việc với tập thể lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel. Tại đây, quyền Chủ tịch kiêm quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng đã trình bày những thành quả đạt được và quá trình phát triển của tập đoàn trong hơn 30 năm qua. Bên cạnh đó, ông cũng nêu những kiến nghị, đề xuất cũng như vướng mắc về cơ chế, chính sách mà Viettel đang gặp phải.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình trong buổi thăm và làm việc với tập thể lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel. |
Hạn chế việc cấm đoán
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ghi nhận Viettel là điển hình của sự thành công trong kết hợp hoạt động kinh tế với quốc phòng. Hình mẫu của Viettel góp phần khẳng định quan điểm "không phải cứ doanh nghiệp Nhà nước là không có sự cạnh tranh, không có động lực phát triển". Bên cạnh ý chí, khát vọng nội tại, ông cho rằng đó còn do hoạt động quản trị doanh nghiệp, cơ chế tài chính của Viettel.
"Doanh nghiệp Nhà nước của chúng ta thường yếu 2 khâu này. Nhưng sự khác biệt của Viettet trong khía cạnh này đã tạo nên kết quả trong sản xuất kinh doanh, phát triển của đơn vị", ông Bình đánh giá.
Dẫn chứng việc phát triển mạng 5G tại Việt Nam, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng Viettel đã làm tốt, đi tiên phong trong lĩnh vực này ở Việt Nam, song, Việt Nam vẫn chưa làm chủ được 100% công nghệ.
Đề cập đến vấn đề an ninh mạng đang ngày càng cần thiết, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số và cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra, ông đề nghị Viettel cần là công cụ đắc lực cho Nhà nước trong đảm bảo an ninh mạng.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Sơn Hà. |
"Chúng ta hạn chế việc cấm đoán. Đây là cuộc chạy đua giữa một bên là xã hội, một bên là Nhà nước. Nhà nước luôn giữ vai trò cầm trịch thì không sợ gì hết cả. Còn nếu phải cấm đoán thì ít nhiều chúng ta đã làm ảnh hưởng đến phát triển 4.0 rồi", ông Bình lưu ý.
Nay lên chức, ngày mai xuống là bình thường
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Đăng Dũng cho biết dù là một doanh nghiệp Nhà nước nhưng Viettel luôn áp dụng mô hình quản trị, điều hành khác biệt, giống với tư nhân, như cơ chế tự chủ, tự quản, giao quyền, quyết định nhanh.
Theo ông, Viettel chỉ đánh giá giá trị các cá nhân mang lại cho tập đoàn, không quan tâm độ tuổi, thâm niên, thậm chí bằng cấp. Bên cạnh đó, tập đoàn trả lương theo vị trí, và xây dựng bảng lương "2 chóp", 1 chóp cho cấp quản lý, 1 chóp cho chuyên gia cũng giúp phát huy tiềm năng, vai trò con người.
"Không có chuyện phải lên cấp quản lý mới được trả lương cao", ông Dũng nói.
Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel. Ảnh: Sơn Hà. |
Theo ông, cán bộ lên được vị trí cao hơn, nhưng không đáp ứng được yêu cầu vẫn bị hạ xuống. "Ông hôm nay lên chức, ngày mai xuống là chuyện bình thường", lãnh đạo Tập đoàn Viettel nhấn mạnh.
Chia sẻ về quyết định khi Viettel đầu tư ra nước ngoài, ông Dũng nói đây là tư duy "nghĩ lớn" mà lãnh đạo tập đoàn luôn tâm niệm.
"Năm 2006, chúng tôi đã nhìn thấy chỉ khoảng 2010 là thị trường viễn thông ở Việt Nam sẽ bão hòa, bắt buộc phải mở rộng thị trường. Khi ra nước ngoài, chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với những công ty nổi tiếng nhất thế giới", ông Dũng nói.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Viettel đoàn kiến nghị Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan liên quan để có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp Nhà nước đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Từ một doanh nghiệp nhỏ thuộc Binh chủng thông tin, Viettel đã trở thành một tập đoàn kinh tế hàng đầu, một trong những đầu tàu kinh tế của Việt Nam, đứng top đầu về lợi nhuận, và nộp ngân sách nhà nước. Năm 2019, Viettel đạt doanh thu 251.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 38.000 tỷ đồng, lợi nhuận 39.400 tỷ đồng (gấp 27.000 lần so với năm 2000).