Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất miễn thuế 10 năm cho doanh nghiệp đầu tư vào Tây Bắc

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng cần có cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước.

Ngày 14/12, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ chủ trì Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và Miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đây là sự kiện quan trọng nhằm củng cố các cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị khóa IX.

Tư duy phát triển liên kết, liên vùng

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết sau 6 năm thực hiện nghiên cứu Chương trình Khoa học công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, ĐH Quốc gia Hà Nội đã chắt lọc được một số kết quả, sản phẩm. Theo ông Sơn, chỉ số phát triển bền vững của vùng ở đang mức rất thấp, là "lõi nghèo" so với mặt bằng chung cả nước. Dù vậy, vùng hoàn toàn có khả năng phát triển thoát nghèo và vươn lên, vấn đề là làm thế nào.

Nêu nhiều giải pháp, TS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông; xây dựng chính sách phát triển hàng hóa nông sản có thế mạnh để phát triển thành chuỗi, làm hài hòa hơn chính sách thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc...

Trong khi đó, nói về lợi thế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, PGS.TS Phạm Trung Lương (Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam VITEA) lưu ý việc không nên tư duy tỉnh nào cũng xác định du lịch là mũi nhọn mà quan trọng là tham gia được vào chuỗi du lịch của vùng.

Từ 2 ví dụ sản phẩm du lịch đẳng cấp Amanoi Ninh Thuận và bài học hiện trạng ở Sa Pa (Lào Cai), TS Lương cảnh báo hệ lụy của phát triển du lịch nóng, chạy theo số lượng. Ông đề nghị gắn chặt phát triển du lịch với xóa đỏi giảm nghèo và bảo tồn giá trị văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng song song với đảm bảo an ninh quốc phòng.

"Chúng ta cần lồng ghép nhu cầu đầu tư phát triển du lịch vào trong các chương trình trọng điểm của Nhà nước, chứ chúng ta không thể yêu cầu Nhà nước hỗ trợ riêng lẻ được", ông Lương góp ý.


Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Việt Dũng.

Ví von vị trí vùng trung du và miền núi Bắc Bộ như "nhà trong ngõ", PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng khu vực muốn phát triển thì phải có đặc sản và biết bán hàng qua mạng. Nhưng quan trọng hơn là liên kết với "nhà mặt tiền". Từ ví dụ này, TS Hùng đề nghị thay đổi việc tư duy phát triển vùng thành hành lang, vành đai để tạo không gian phát triển, hướng ra biển lẫn vùng biên mậu.

Ông đề xuất hình thành mô hình Hội đồng phát triển vùng thay cho cơ chế Ban chỉ đạo để hoạt động linh hoạt, quyết định được các vấn đề hợp tác - phát triển liên vùng...

Đầu tư có trọng điểm

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh trung du và miền núi Bắc Bộ là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, vùng đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, tạo ra diện mạo mới cho các địa phương.

“Tuy nhiên, cho đến nay, trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước với quy mô kinh tế còn nhỏ, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hết, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững”, ông Bình nêu một số thực tế.

Theo ông, thời gian tới, trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều cơ hội, thuận lợi để phát triển nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới.

Về cơ cấu kinh tế, do điều kiện tự nhiên và khó khăn về nguồn nhân lực, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần cân nhắc chuyển dịch sang công nghiệp và xây dựng ở mức vừa phải, thay vào đó tập trung chuyển dịch theo hướng dịch vụ và nông nghiệp.

“Với vai trò quan trọng của vùng trong đảm bảo môi trường sinh thái cho cả miền Bắc, phải phát triển bền vững trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ rừng, coi đây vừa là kế sinh nhai, thoát nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Bình lưu ý.

Ông nêu hai vấn đề quan trọng để phát triển vùng, đó là đầu tư và cơ chế chính sách. Theo ông Bình, phải có tầm nhìn để ưu tiên nguồn lực ngân sách Trung ương đầu tư cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Việc đầu tư cần trọng tâm trọng điểm, ưu tiên các dự án có tính liên kết lan tỏa và hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích và thu hút được đầu tư của xã hội, tạo nguồn lực phát triển cho vùng. "Doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào Tây Bắc, cho miễn thuế 10 năm" - ông Bình lấy ví dụ và giải thích nếu không có doanh nghiệp vào thì địa phương không có nguồn thu. Thà rằng miễn thuế nhưng "lọt sàng xuống nia", đổi lại kinh tế xã hội đất nước phát triển, đời sống người dân nâng lên.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng lưu ý các đại biểu vấn đề đặc thù của Tây Bắc là trật tự, an ninh quốc phòng gắn với vấn đề tôn giáo, dân tộc. Theo ông, trên cơ sở các ý kiến, tham luận tại hội thảo, tổ biên tập sẽ hoàn thiện đề án để dự kiến trong tháng 12 trình Bộ Chính trị ra nghị quyết mới.

Thu nhập bình quân cao gấp gần 10 lần năm 2004

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, kinh tế - xã hội ở trung du và miền núi Bắc Bộ và các địa phương trong vùng được đánh giá đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của các tỉnh trong vùng giai đoạn 2004-2018 đạt mức gần 10%; Thu nhập bình quân đạt 43,6 triệu đồng/người vào năm 2018, gấp gần 9,8 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại.

Vùng đã phát huy được nội lực, thu hút mạnh các nguồn lực để tập trung đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế.

“Nghị quyết 37 đã đi vào cuộc sống và tạo ra một diện mạo mới cho các địa phương trong vùng”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá sau nói.

Truong Ban Kinh te Trung uong Nguyen Van Binh anh 1

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương. Ảnh: Việt Dũng.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng thẳng thắn nhận định vẫn còn một số hạn chế ở vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Về năng lực sản xuất, tăng trưởng của một số địa phương chưa thực sự bền vững. Mức sống của người dân, thu nhập bình quân đang ở mức thấp nhất trong số các vùng của cả nước, và khoảng cách về thu nhập so với cả nước đang có xu hướng rộng ra. Tỷ lệ hộ nghèo tính đến năm 2018 chiếm trên 15%, cao nhất so với các vùng và gấp 3 lần so với mức trung bình toàn quốc.

Theo ông Bình, những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Về khách quan, do địa hình đồi núi chia cắt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Quy mô nền kinh tế nhỏ, lại bị xé lẻ bởi địa giới hành chính.

Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2010 với những tác động bất lợi đã hạn chế các nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương trong vùng. Đường biên giới dài, hiểm trở gây khó khăn cho công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Về chủ quan, tư duy về phát triển đối với vùng còn chậm được đổi mới. Quy mô vốn đầu tư của vùng còn thấp, với cơ cấu đầu tư chưa thực sự hợp lý, và hiệu quả chưa cao. Thêm vào đó, một số cơ chế chính sách đặc thù cho vùng chưa mang tính đột phá, chưa thực sự phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Hoài Vũ - Nhật Lâm

Bạn có thể quan tâm