Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Có ý kiến cho rằng Việt Nam làm tốt 0.4 đi đã, cớ gì vội làm 4.0’

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng vẫn còn những ý kiến tự ti, chưa dám đối diện với cách mạng công nghiệp 4.0.

Sáng 3/10, Diễn đàn cao cấp và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 được Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đời sống kinh tế chính trị thế giới. Việt Nam không ngoại lệ.

“Cuộc cách mạng của ai đó chứ không phải của chúng ta”

Tuy nhiên, với xuất phát điểm, trình độ phát triển còn thấp, Việt Nam cũng gặp không ít thách thức, từ đó trong xã hội nảy sinh nhiều tư tưởng, suy nghĩ khác nhau về cuộc cách mạng công nghiệp lần này.

“Có những tư tưởng suy nghĩ rất bàng quan, thụ động, thậm chí hết sức tự ti cho rằng đây là một cuộc cách mạng của ai đó chứ không phải cuộc cách mạng của chúng ta. Thậm chí, có những ý kiến cho rằng Việt Nam làm tốt 0.4 đi đã cớ gì mà vội vàng làm 4.0”, ông Bình chia sẻ.

dien dan cong nghiep 4.0 anh 1
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Việt Hùng.

Bên cạnh đó, ông Bình cho rằng cũng có những tư tưởng, suy nghĩ còn thể hiện sự chủ quan nóng vội, thậm chí duy ý chí, cái gì cũng nói đến công nghiệp 4.0, coi rằng 4.0 xử lý mọi việc mà không tính đến những mặt trái, hệ lụy.

Do đó, suy nghĩ này có thể ảnh hưởng đến an toàn, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng, đến công bằng xã hội, tính phát triển bền vững của nền kinh tế

“Nghị quyết này của Bộ Chính trị ra đời, vì thế, được đánh giá là hết sức đúng lúc”, ông nói.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị yêu cầu phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về các nội hàm và bản chất của cuộc cách mạng lần này để từ đó có quyết tâm. Ông nhấn mạnh “quyết tâm” đổi mới tư duy, đổi mới hành động và coi việc đổi mới tư duy, đổi mới hành động là khâu đột phá.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nhắc lại phần lớn các chuyên gia hàng đầu thế giới cũng đánh giá rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư về bản chất là một cuộc cách mạng về thể chế. Chính việc phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số tạo ra lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh, thậm chí là bùng nổ.

dien dan cong nghiep 4.0 anh 2
Các vị đại biểu tham quan triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0. Ảnh: Việt Hùng.

“Việc bùng nổ làm cho khuôn khổ thể chế bấy lâu nay không còn phù hợp nữa và thậm chí nếu tiếp tục duy trì khuôn khổ này sẽ kìm hãm sự phát triển”, ông nói.

Vốn và con người cho công nghiệp 4.0

Về nguồn lực cho cuộc cách mạng, ông Bình nhấn mạnh đến hai yếu tố quan trọng là vốn và con người.

Ông đánh giá nhiều nước phát triển họ đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, đã đầu tư một nguồn vốn rất lớn. Những nền tảng đã đầu tư có thể là trở ngại tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp mới.

Trong khi Việt Namvới xuất phát điểm thấp, nhưng có thể tập trung nguồn lực tiếp cận ngay với cuộc cách mạng công nghiệp, giảm nguồn lực phải bỏ ra.

Thứ hai, cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi nói đến nguồn lực chủ yếu là các nguồn lực do cơ chế chính sách mang lại. Nếu có cơ chế chính sách tốt, chúng ta sẽ có đổi mới sáng tạo hiệu quả. Khi có đổi mới sáng tạo hiệu quả thì có những sản phẩm tốt, từ đó sẽ kêu gọi được các nguồn lực đầu tư không những trong nước mà của toàn thế giới.

Đồng tình với ông Nguyễn Văn Bình, trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh nguồn lực con người. Ông cho rằng 3 yếu tố nền tảng đã được Chính phủ xác định trong chiến lược 4.0, trong đó có nhấn mạnh đến yếu tố con người.

dien dan cong nghiep 4.0 anh 3
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Việt Hùng.

Bộ trưởng cho biết Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để thực hiện các hoạt động chuyển đổi, nâng cấp công nghệ và nghiên cứu phát triển các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới.

Song song với đó là đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xây dựng hệ thống thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập và thân thiện với các mô hình kinh tế mới, dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ chú trọng phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật số.


Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu 5 nền tảng để Việt Nam chuyển đổi số

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để đẩy nhanh chuyển đổi số, 5 yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh trong thời gian tới là thể chế, hạ tầng, platform, an ninh mạng và đào tạo.



Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm