Việt Nam có cơ hội để thành một nước phát triển nếu tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nhận định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra sáng 3/10. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Cuộc cách mạng về thể chế hơn là công nghệ
Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại nội dung Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghị quyết đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030.
Để đạt được điều này, ông nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, có các giải pháp đột phá, Việt Nam sẽ vượt lên. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp tất yếu để Việt Nam tận dụng được cuộc cách mạng này.
Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Việt Hùng, |
Ông đánh giá chuyển đổi số đã diễn ra nhiều năm qua nhưng thực sự tăng tốc khi xuất hiện các công nghệ của nghiệp 4.0. Chuyển đổi số sẽ giúp tiến tới kinh tế số, xã hội số. Đó mới là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo
“Chuyển đổi số là cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Chúng ta sống trong thế giới thực từ khi xuất hiện thế giới loài người. Đây là lần đầu tiên chúng ta bước vào một thế giới khác”, ông nói.
Người đứng đầu ngành TTTT cho rằng nhắc đến chuyển đổi số nghĩa là môi trường số, môi trường không gian mạng. Con người đã quen thuộc các môi trường trên bộ, trên không, trên biển, vũ trụ, sóng điện từ… Do đó, môi trường số là thách thức mới và cơ hội mới, nhận thức mới và luật lệ mới, cách thức sản xuất mới và hạ tầng mới.
Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là về công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Việc chấp nhận cái mới phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Điều này là lợi thế của các nước đi sau, trong đó có Việt Nam, bởi chuyển đổi số không phụ thuộc vào cở sở vật chất mà một nước đang sở hữu. Các nước đi sau cũng ít gánh nặng quá khứ, kể cả hạ tầng vật chất, năng lực cạnh tranh của thời 2.0 và 3.0.
Những gánh nặng này lại là cản trở cho 4.0. Nguyên nhân bởi công nghiệp 4.0 cần hạ tầng mới, năng lực cạnh tranh mới, thể chế mới.
“Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để vượt lên trở thành một nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế hơn là về công nghệ. Đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi có Đảng lãnh đạo, có thể đưa ra quyết sách lớn, nhanh và tập trung. Nghị quyết 52 là một ví dụ”, ông nói.
Đi nhanh, đi đầu để có lợi thế cạnh tranh
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, giúp thay đổi toàn diện mọi doanh nghiệp, tổ chức, người dân và mọi lĩnh vực. Do đó, Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh, đi đầu để có lợi thế cạnh tranh.
“Chúng ta có thể làm được bởi văn hóa người Việt Nam thích ứng nhanh với cái mới, sáng tạo và học hỏi cái mới. Việt Nam luôn là nước mạnh nhất thế giới trong các cuộc cách mạng toàn dân”, Bộ trưởng nhận định.
Ông cũng cho rằng, trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, doanh nghiệp ICT Việt Nam sẽ là hạt nhân.
“Cần hàng trăm nghìn doanh nghiệp ICT trên khắp Việt Nam để đẩy nhanh chuyển đổi số, thúc đẩy “make in Vietnam”, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từ đây để đi ra toàn cầu”, ông nói.
Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019 lần thứ hai được tổ chức bởi Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: Việt Hùng. |
Tuy nhiên, nếu phải đến từng doanh nghiệp, người dân, tổ chức, cơ quan để giúp chuyển đổi số thì rất lâu. Ông cho rằng cách tiếp cận nhanh nhất chính là sử dụng các platform số. Các platform là để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ dân sử dụng. Khi sử dụng các platform số là lên môi trường số, là hoạt động trong môi trường số.
“Năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số”, ông nói.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong thời gian tới, một số yếu tố nền tảng giúp chuyển đổi số nhanh chóng sẽ được nhấn mạnh, đầu tư trước. Phấn đấu với những yếu tố này, Việt Nam sẽ có thứ hạng cao trên thế giới, cụ thể nằm trong top 50 vào 2025 và top 30 vào 2030.
Phải là cường quốc về an ninh mạng
Những yếu tố nền tảng mà Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh gồm: Thể chế, hạ tầng, platform, an ninh mạng và giáo dục đào tạo.
Về thể chế, ông cho rằng quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự xác nhận các mô hình kinh doanh mới, mối quan hệ mới, công nghệ mới trong thế giới ảo. Đi đôi với đó là việc bảo đảm các giá trị căn bản của nhân loại, giá trị của Việt Nam, lấy con người là trung tâm của quá trình chuyển đổi số.
"Cơ chế sandbox, nghĩa là cho thí điểm nhưng giới hạn trong không gian và thời gian, là cách tiếp cận cái mới một cách tốt nhất, Nghị quyết 52 cũng đã chỉ ra”, ông nói.
Về hạ tầng, người đứng đầu ngành TTTT cho rằng quan trọng nhất chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành ICT, làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đối số như big data, AI, IoT, điện toán đám mây…
Nếu chúng ta coi mục tiêu của chuyển đổi số là xây dựng quốc gia hùng cường, động lực của chuyển đổi số là thể chế, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiền đề là an toàn, an ninh không gian mạng.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Rất nhiều công nghệ mới xuất hiện cho phép Việt Nam nhanh chóng chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT thế hệ mới. Không chỉ là việc mua công nghệ thiết bị, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất thiết bị.
Ông cũng cho rằng khi 100% Việt Nam có điện thoại thông minh là yếu tố quan trọng sẽ đẩy nhanh chuyển đổi số. Bộ trưởng cũng cho biết phương án sớm cắt sóng 2G đã được Bộ TTTT nghiên cứu.
An ninh không gian mạng được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá là nền tảng của chuyển đổi số.
“Nếu chúng ta coi mục tiêu của chuyển đổi số là xây dựng quốc gia hùng cường, động lực của chuyển đổi số là thể chế, công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiền đề là an toàn, an ninh không gian mạng
Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường, thì phải là cường quốc về an ninh mạng, để đảm bảo an toàn trong quá trình này, đặt niềm tin số cho mọi người.
Về platform, Bộ trưởng Hùng cho rằng đây là yếu tố giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Nguyên nhân bởi chuyển đổi số khó nhất là toàn dân, toàn xã hội, nhưng nó chỉ phát huy hết sức mạnh khi toàn xã hội kết nối số.
“Một nền tảng platform có thể giúp kết nối hàng triệu người, hàng nghìn doanh nghiệp. Platform văn minh ở chỗ giá trị tạo ra sẽ chia sẻ người tham gia và người tạo platform, do đó sẽ thúc đẩy chuyển đổi số. Việt Nam có lợi thế có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin có năng lực, có thể phát triển nhiều platform”, ông nói.
Về đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số, Bộ trưởng Hùng cho rằng trước mắt dựa vào đào tạo lại và đào tạo nâng cấp. 1.000 chuyên gia chuyển đổi số có mặt tại tất cả bộ ngành và địa phương sẽ là hạt nhân.
Tuy nhiên, chặng đường chuyển đổi số kéo dài nhiều thập kỷ, thì ICT phải được coi là là kỹ năng căn bản, giống như dạy đọc viết của học sinh. ICT cũng là lời giải cho nhiều vấn đề giáo dục hiện nay. Giáo dục ICT cũng là cách dạy kỹ năng tốt nhất kỹ năng số.
“Tương lai không nằm trên một đường kéo dài của quá khứ, nó tạo ra cơ hội cho đổi mới sáng tạo. Việt Nam có cơ hội bứt phá. Phải là tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự”, ông kết thúc bài phát biểu của mình.