Ngày thi đấu 14/5 của SEA Games 31, điền kinh và bơi khởi tranh tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia. Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam, nguyên Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh dành nhiều thời gian phân tích các nội dung của 2 môn Olympic cơ bản này trong bài viết gửi Zing.
Nguyễn Thị Oanh tham gia 2 nội dung thế mạnh 800 m và 1500 m. Ảnh: Minh Chiến. |
Chờ Nguyễn Thị Oanh tỏa sáng
Điền kinh là môn thể thao cơ bản và ra đời từ thời Olympic cổ đại. Gọi là môn cơ bản bởi điền kinh bao gồm tất cả hoạt động cơ bản của con người. Nó rèn luyện sức mạnh, sức bền và phối hợp hoạt động. Đồng thời, điền kinh cũng là cơ sở của những môn thể thao khác. Các hoạt động bổ trợ của những môn khác cũng sử dụng hoạt động của điền kinh.
SEA Games 22 trên sân nhà là kỳ Đại hội đánh dấu sự tiến bộ của các VĐV điền kinh với thành tích 8 HCV, phá 3 kỷ lục Đông Nam Á. Có thể kể đến một số gương mặt xuất sắc như Nguyễn Thị Tĩnh, Nguyễn Thị Lan Anh, Phạm Đình Khánh Đoan. Ở các kỳ Đại hội trước đó, điền kinh Việt Nam chỉ giành 1, 2 HCV.
Bộ môn điền kinh có tới 45 nội dung. Trong những năm qua phong trào phát triển và xuất hiện nhiều VĐV xuất sắc, ở nhiều nội dung. Từ sau SEA Games 22, điền kinh Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đóng góp lớn vào bảng vàng của thể thao nước nhà. Đến SEA Games 28 và 29, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của nhiều VĐV ưu tú như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Văn Lai, Dương Văn Thái...
Tại SEA Games 28, điền kinh Việt Nam giành 11 HCV. 2 năm sau đó, chúng ta xuất sắc vượt qua Thái Lan để lần đầu tiên về nhất toàn đoàn với 17 HCV. Đây cũng là kỳ Đại hội điền kinh đóng góp nhiều huy chương nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam.
Ở tầm châu lục, Bùi Thị Thu Thảo giành HCV nội dung nhảy xa với thành tích 6,55 m. Đây là HCV đầu tiên của điền kinh Việt Nam ở đấu trường châu lục. Tuy nhiên, để vượt qua vòng loại đến với Olympic và có huy chương vẫn cần nỗ lực lớn của các VĐV.
SEA Games lần này, điền kinh Việt Nam có lực lượng mạnh với 67 VĐV, tham gia nhiều nội dung. Những VĐV ưu tú nhất bắt đầu thi đấu từ ngày khởi tranh. Nguyễn Thị Oanh tham gia tranh tài ở cả 2 nội dung thế mạnh là 1500 m và 5000 m. Tôi cho rằng hôm nay sẽ là ngày Oanh tỏa sáng.
Nhìn chung, ngày thi đấu 14/5, tâm điểm sẽ là sân Mỹ Đình, nơi diễn ra môn điền kinh.
Huy Hoàng được kỳ vọng giúp bơi Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu HCV. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trọng trách đặt trên vai Huy Hoàng, Hưng Nguyên
Cùng với điền kinh, bơi lội cũng khởi tranh trong ngày thi đấu hôm nay, tại cung thể thao dưới nước. Bơi Việt Nam ở đấu trường SEA Games có thời kỳ lận đận, không đem lại kết quả đáng khích lệ. Tới tận SEA Games 21 tại Malaysia, Trần Xuân Hiền mới giành HCB. Anh là người Việt Nam đầu tiên có huy chương môn bơi tại SEA Games sau 28 năm.
SEA Games 22 trên sân nhà, chúng ta chỉ có 1 HCB và 3 HCĐ, đứng thứ 7 trong số 9 đoàn tham dự. SEA Games 23, Nguyễn Hữu Việt giành HCV nội dung 100 m ếch. SEA Games 2009, anh tái lập thành tích, phá kỷ lục Đông Nam Á.
Những kỳ Đại hội gần đây, bơi Việt Nam bùng nổ ở đấu trường khu vực với sự đột phá về thành tích, nhờ chủ trương đầu tư cao, có trọng điểm, tăng cường tập huấn và thi đấu quốc tế. Chúng ta ghi nhận thành tích có nhiều tiến bộ. SEA Games 28 tại Singapore, bơi Việt Nam giành 10 HCV và 2 HCB.
Tại Đại hội này, Nguyễn Thị Ánh Viên giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục SEA Games. Kỳ Đại hội tiếp theo, ÁNh Viên tiếp tục khẳng định sức mạnh với 8 HCV, phá 3 kỷ lục SEA Games, đóng góp vào thành tích 10 HCV, 7 HCB, 6 HCĐ.
Bơi Việt Nam trở thành lực lượng mạnh ở đấu trường Đông Nam Á. Bên cạnh Ánh Viên còn có Hoàng Quý Phước, Lâm Quang Nhật, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Nguyễn Huy Hoàng và gần đây là Trần Hưng Nguyên cùng một số VĐV trẻ khác. Ánh Viên và Quý Phước vượt qua vòng loại để dự Olympic 2016. Tại giải Vô địch châu Á ở Tokyo, Ánh Viên giành HCV.
SEA Games lần này, Ánh Viên không tham gia, ảnh hưởng đến thành tích của bơi Việt Nam. Theo tính toán của các chuyên gia, Viên có thể giành thêm 4, 5 HCV nữa nếu vẫn góp mặt. Trọng trách được giao lên vai Huy Hoàng, Hưng Nguyên để hoàn thành mục tiêu 5-6 HCV. Tôi nghĩ các VĐV bơi có thể hoàn thành chỉ tiêu.
Phạm Văn Mách giành HCV SEA Games ở tuổi 46. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ghi nhận những nỗ lực
Tôi muốn nói một chút về thể hình. Ở ngày thi đấu 13/5, có một hiện tượng khiến chúng ta phải suy nghĩ về việc cống hiến. Phạm Văn Mách, sinh năm 1976, giành HCV SEA Games khi đã 46 tuổi.
Anh là nhà vô địch thế giới đầu tiên của môn thể hình, 2 lần vô địch thế giới hạng cân 55 kg (năm 2000 và 2007). Ở tầm châu lục, Mách có 8 lần vô địch. Lực sĩ này có sự bền bỉ, cống hiến to lớn cho thể hình Việt Nam. Rất nhiều VĐV cùng lứa với anh đã nghỉ thi đấu, nhưng chúng ta vẫn thấy Phạm Văn Mách ở đấu trường SEA Games với cơ thể đẹp chắc chắn.
Anh ấy nhận sự tôn trọng của không chỉ các VĐV mà còn của quan chức, trọng tài tham gia điều hành. Đặc biệt, Chủ tịch Liên đoàn Thế giới Môn thể hình và Các môn Thể thao Vóc dáng (WBPF) Datuk Paul Chua dành nhiều lời khen ngợi Phạm Văn Mách.
Tôi muốn dành sự khen ngợi cho các VĐV kickboxing. Đây là môn thể thao nhà nghề, phát triển rộng khắp. Kickboxing được phát triển ở Việt Nam vào khoảng năm 2005-2007. Khi đó, dưới vai trò quản lý, tôi bàn với Trưởng bộ môn kickboxing của Ủy ban TDTT Vũ Đức Thịnh, mời nhiều chuyên gia về mở những lớp HLV và trọng tài đầu tiên ở Việt Nam. Sau đó là giai đoạn tuyển chọn VĐV.
Kickboxing hầu như chưa nhận sự quan tâm đầu tư về mặt nhà nước, phần lớn phát triển dựa trên cơ sở xã hội hóa. Nó cũng không phải là môn thi đấu chính thức của Đoàn thể thao Việt Nam ở những SEA Games trước đây. Trong nước, chúng ta vẫn duy trì được 2 giải trẻ và vô địch quốc gia với sự đóng góp của một số nơi phát triển phong trào.
Đội tuyển kickboxing tham gia SEA Games lần này, các VĐV vào chung kết 5 nội dung và giành 5 HCV. Thành tích này đánh dấu sự nỗ lực vươn lên của những người làm kickboxing. Chúng ta nên có thái độ trân trọng và ủng hộ.
Ngày thi đấu 13/5 cũng ghi nhận sự nỗ lực của TDDC nam Việt Nam với tấm HCV đồng đội. Đó là điều cực kỳ đáng hoan nghênh. 2 kỳ SEA Games gần đây, chúng ta không còn ưu thế như thời kỳ phát triển cực thịnh nữa. TDDC Việt Nam đặt chỉ tiêu giành 3 HCV tại SEA Games lần này là thử thách cho các VĐV ở các nội dung đơn môn.
Hôm nay, SEA Games cũng diễn ra những môn thi đấu khác. Wushu hay pencak silat bắt đầu vào giai đoạn cơ bản của quá trình thi đấu. Tôi chờ đợi sau một ngày toàn thắng, Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái những HCV tiếp theo.