Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS. |
Đài RT ngày 22/2 đã dẫn lời ông Medvedev nói rằng giới tinh hoa Mỹ không nên coi họ là bất khả xâm phạm.
"Do Mỹ muốn đánh bại Nga, chúng tôi có quyền tự vệ bằng bất kỳ loại vũ khí nào, bao gồm vũ khí hạt nhân", ông nói.
Một ngày trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ rút khỏi hiệp ước New START, thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân cuối cùng còn hiệu lực giữa Mỹ và Nga.
Ông Medvedev nói rằng mình đã biết trước động thái này từ lâu, và coi việc rút khỏi New START sẽ gửi một thông điệp đến Washington.
Trong thông điệp liên bang ngày 21/2, ông Putin cho biết các hệ thống chiến lược mới đã được đưa vào trực chiến và để ngỏ khả năng trở lại các vụ thử hạt nhân.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (phải) và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký hiệp ước New START tại Prague hồi năm 2010. Ảnh: Reuters. |
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow sẽ tiếp tục tuân thủ New START khi nó còn hiệu lực. Nga cho biết duy trì giới hạn số đầu đạn, cũng như sẽ thông báo với Mỹ về các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) theo thỏa thuận.
Phát biểu tại Warsaw ngày 21/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định phương Tây không có kế hoạch tấn công Nga.
Ông kêu gọi tình đoàn kết và tiếp tục hỗ trợ Ukraine, song không đề cập đến bài phát biểu của ông Putin trước đó.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi việc đình chỉ New START của Moscow là "rất đáng tiếc". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng điều này khiến thế giới nguy hiểm hơn và kêu gọi ông Putin cân nhắc lại.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.