Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Lê Quang Tự Do: Nhiều tin giả, gây chia rẽ từ tài khoản nước ngoài

Kêu gọi người dân đi biểu tình; thông tin chia rẽ vùng miền; Bí thư, Chủ tịch TP.HCM bị cách chức là những tin giả gây hoang mang xã hội những ngày qua.

Vấn nạn tin giả là một trong những vấn đề được ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), đề cập trong Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 25/8.

Cũng tại chương trình này, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông trực tiếp trả lời câu hỏi của người dân về an sinh xã hội.

Tin giả về biểu tình, gây chia rẽ

Trong buổi livestream, ông Tự Do đã làm rõ 3 tin giả được lan truyền trên mạng xã hội thời gian qua.

Đầu tiên là tin kêu gọi biểu tình. Một số tài khoản trên mạng xã hội Facebook, YouTube có động thái kêu gọi người dân xuống đường "biểu tình".

Qua kiểm tra, ông Tự Do cho biết thông tin này chủ yếu xuất phát từ tài khoản, trang cộng đồng từ nước ngoài, có "quan điểm thù địch" với Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

"Khẳng định đây là tin giả. Chúng tôi muốn bà con ngoài không tin, không nghe thì đồng thời không chia sẻ, lan tỏa vì người nhận được tin từ mình tưởng là tin thật sẽ càng nguy hiểm hơn", ông Tự Do kêu gọi.

Dan hoi thanh pho tra loi anh 1

Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" diễn ra vào 20h hàng ngày trên Fanpage của Trung tâm Báo chí TP.HCM. Ảnh: HMC.

Tin giả thứ 2 được ông Tự Do nêu là những thông tin mang tính chất chia rẽ miền Bắc với miền Nam. Cụ thể, một số trang mạng xã hội lan truyền hình ảnh nhiều bộ đội "nằm xếp lớp dưới đất". Đây được cho là bộ đội miền Bắc vào miền Nam hỗ trợ nhưng "không được chính quyền chăm lo nên ăn bờ ngủ bụi".

Sau khi xác minh, ông Tự Do cho biết đây là hình ảnh bộ đội vào cứu dân trong vụ sạt lở tại Rào Trăng năm 2020. Bộ đội phải vào rừng sâu, khu vực đang sạt lở nên điều kiện ăn ở không tốt. Ông khẳng định đây không phải 40.000 cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam hỗ trợ TP.HCM.

Cuối cùng là thông tin "Bí thư Thành ủy TP.HCM và Chủ tịch TP.HCM bị cách chức". Ông Tự Do khẳng định đây là tin sai sự thật, có mục đích xấu.

Lý do ông Nguyễn Thành Phong thôi làm Chủ tịch UBND TP.HCM là do được điều động làm Phó ban Kinh tế Trung ương. Sau đó, HĐND TP.HCM đã bầu ông Phan Văn Mãi lên làm Chủ tịch UBND TP.HCM.

"Qua đây, tôi kêu gọi bà con khi nghe, đọc, xem thông tin trên mạng thì chọn lọc và cẩn thận với thông tin giật gân, câu khách, từ nguồn không rõ ràng", ông Tự Do nói.

Nhóm thiện nguyện tạm thời hỗ trợ qua kênh chính quyền

Trong livestream, MC Quyền Linh đặt câu hỏi về việc các nhóm thiện nguyện ở TP.HCM mong muốn được cấp giấy đi đường mới thì có thể xin ở đâu.

Trả lời vấn đề này, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết mới đây, thành phố đã thay đổi chính sách và chuyển thẩm quyền cấp Giấy đi đường cho Công an TP.HCM thay vì các sở, ngành. Nguyên nhân là để công an quản lý chặt chẽ, giám sát số lượng người ra đường, đảm bảo làm nghiêm giãn cách xã hội để sớm kiểm soát được dịch.

Với các nhóm thiện nguyện, ông Thắng khẳng định đây là nhu cầu chính đáng và thành phố rất trân trọng tấm lòng nhiệt huyết của các nhóm, cá nhân này. Tuy nhiên, hiện tại TP.HCM đặt mục tiêu kiểm soát dịch lên trên hết nên việc giãn cách xã hội rất quan trọng, hạn chế càng nhiều người ra đường càng tốt.

"Thành phố chưa khuyến khích những ngày sắp tới các nhóm thiện nguyện tới trao quà cho người dân khó khăn. Các nhóm đó có thể đóng góp cho tổ chức Nhà nước, chính quyền địa phương như Mặt trận Tổ quốc, Trung tâm An sinh xã hội", ông Thắng nói.

Dan hoi thanh pho tra loi anh 2

TP.HCM đề nghị các nhóm thiện nguyện tạm thời hỗ trợ qua các kênh của chính quyền. Ảnh: Phạm Ngôn.

Các cá nhân/nhóm muốn làm thiện nguyện có thể đăng ký qua những đầu mối nêu trên để hỗ trợ nguồn lực, vật chất, hoặc tham gia cùng các cơ quan này. Khi các cơ quan thấy cá nhân/tổ chức này đủ điều kiện thì sẽ coi họ là một phần của tổ công tác hoặc trung tâm đó, đảm bảo cho họ hoạt động.

Cũng tại họp báo, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết tại buổi livestream tối 24/8, chương trình nhận được hơn 3.000 bình luận đề nghị được hỗ trợ gói an sinh. Tuy nhiên, sau khi rà soát, ban tổ chức thống kê được 180 tài khoản có để lại đầy đủ địa chỉ, số điện thoại và thông tin chi tiết để cơ quan chức năng liên hệ. Trong ngày 25/8, các thông tin này đã được gửi về địa phương để trao gói an sinh đến tận nhà cho người dân.

Để tạo sự thuận tiện cho người dân, chương trình đã tạo một mẫu đơn để người có nhu cầu đăng ký nhận hỗ trợ túi an sinh/tiền trợ cấp của TP.HCM. Người dân có thể truy cập, đăng ký tại link sau: https://forms.gle/UJJroKPJq2wE7wDw8.

Chương trình phát sóng trực tiếp (livestream) "Dân hỏi - Thành phố trả lời" do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thực hiện. Livestream sẽ được phát sóng lúc 20h hàng ngày trên Fanpage của Trung tâm Báo chí TP.HCM.

Gần 140.000 hộ dân ở TP.HCM đăng ký 'đi chợ hộ' trong 2 ngày

Gần 140.000 trong tổng số 2,1 triệu hộ dân toàn TP.HCM đã gửi đăng ký đi chợ hộ trong 2 ngày vừa qua. Các tổ cung ứng hóa đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm