Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Ông Lê Minh Hoan: Không để nông dân bị cô lập trong ốc đảo của mình

Thứ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng để người nông dân vượt lên, phải nâng cao tri thức, cách nghĩ và cách làm, để họ không bị cô lập trong ốc đảo của chính mình.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng để người nông dân vượt lên, phải nâng cao tri thức, cách nghĩ và cách làm, để họ không bị cô lập trong ốc đảo của chính mình.

Trong cuộc trò chuyện với Zing nhân dịp đầu năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhắc đến tác phẩm về người nông dân của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông Hoan yêu thích lời đề từ: “Bố mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn”.

Sinh ra ở nông thôn, ông Hoan luôn trăn trở nhiều điều về sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, luôn đặt những câu hỏi làm sao để người nông dân hạnh phúc, vươn lên trên chính quê hương của mình. Theo ông, để hướng đến mục tiêu đó, cần phải nâng cao tri thức, khơi gợi sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, khuyến khích người nông dân thiết lập những mối quan hệ cộng đồng bền chặt, để không bị lẻ loi, không bị rơi lại phía sau, tham gia tích cực và giữ vai trò quan trọng hơn trong chuỗi giá trị.

Ông Hoan từng là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, địa phương được biết đến qua mô hình hội quán nông dân, cùng sự năng động, tinh thần không ngại khó của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành nông nghiệp. Ông đánh giá rất cao sự đầu tư, đóng góp vào nông nghiệp, từ các doanh nghiệp dẫn đầu đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây chính là động lực tạo ra sự đổi thay tích cực cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

- Thưa ông, nông dân là chủ thể quan trọng của một nền nông nghiệp phát triển. Làm thế nào để nâng cao đời sống nông dân Việt Nam, để người nông dân thực sự gắn bó với quê hương và tham gia tích cực hơn trong chuỗi giá trị?

Ngày nay, chúng ta thường hay bi kịch hóa ngành nông nghiệp, bi lụy hóa nông thôn và bi thương hóa người nông dân. Ở đâu đó, người nông dân bỏ ruộng, bỏ vườn, rời quê hương, đến các thành phố lớn tìm kế sinh nhai. Kỹ thuật canh tác, công nghệ phát triển, công ăn, chuyện làm của những người nông dân cũng không còn như trước nữa.

Hiện tại, sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, chủ yếu được đánh giá qua tiêu chí về thu nhập. Tôi cho rằng thu nhập chưa phản ánh được hết mong muốn của người nông dân, mà còn là chất lượng sống, niềm hạnh phúc.

Chúng ta xác định nông dân là chủ thể phát triển ngành nông nghiệp, là chủ thể của tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới. Do đó, vai trò chủ thể của người nông dân cần được khơi gợi, phát huy.

Tôi quan tâm đến việc nâng cao vị thế của người nông dân, để người nông dân thực sự là trung tâm của sự phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau. Nói cách khác, chúng ta cần định vị lại vị thế của người nông dân, bảo đảm mỗi tiếng nói, nguyện vọng đều được cầu thị ghi nhận, lắng nghe, khuyến khích tinh thần tự nguyện, tự lực, tự chủ.

Cách làm là chúng ta sẽ tri thức hóa người nông dân bằng một hệ thống cơ chế, chính sách, huấn luyện, đào tạo, với những lộ trình cụ thể, nội dung phù hợp, gần gũi, đời thường. Không để người nông dân bị cô lập trong ốc đảo của mình, trong miếng vườn, thửa ruộng, ngôi nhà của mình.

Người nông dân thực sự bước ra và chủ động hòa nhập với không gian lớn hơn, không gian cộng đồng, không gian làng xã. Người nông dân cùng nhau hợp tác, quây quần bàn luận, quyết định vận mệnh của mình, với sự hỗ trợ, đồng hành của xã hội, cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp.

Phải tạo ra một cơ hội hay là một nhịp cầu để người nông dân sẵn sàng thay đổi, sẵn lòng thay đổi, vượt qua những vùng quen thuộc. Nhờ mối quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng bền chặt, khăng khít, người nông dân không còn cảm giác lẻ loi, đơn độc.

Ngày xưa thì “đèn nhà ai nấy sáng”, thì hiện nay quanh người nông dân là cả một hệ sinh thái, gồm nhiều mối quan hệ gắn bó, để sẵn sàng chia sẻ với nhau, cùng tìm ra hướng đi, công việc của mỗi cá nhân gắn với vận mệnh của cộng đồng, chứ không lẻ loi, lủi thủi một mình.

Chúng ta hay nói muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Đó là cái mà người nông dân ở các vùng nông thôn cần làm được. Vai trò trung tâm của người nông dân được thể hiện qua chất lượng sống, niềm hạnh phúc, tri thức, và nhất là tinh thần hợp tác, liên kết.

le minh hoan anh 1

- Nghĩa là người nông dân liên kết lại sẽ thành tập thể lớn hơn thay vì lẻ loi một mình, để dễ dàng liên kết với những chủ thể khác trong nền kinh tế?

- Đúng vậy, từ kết nối để người nông dân vượt khỏi không gian làng xã, thì mở rộng thêm không gian kết nối đến các chủ thể khác trong xã hội như các doanh nghiệp chế biến, các nhà phân phối, các chuyên gia,… Những kết nối này có thể được bắt đầu từ các nhóm trò chuyện trên ứng dụng của chiếc điện thoại thông minh.

Như thế, những chuyên gia, nhà khoa học, lúc nào cũng có thể “bên cạnh” người nông dân, nhờ vào kết nối trên các thiết bị thông minh để giúp người nông dân nâng cao tri thức trong sản xuất. Kết nối rộng rãi, nhanh chóng cũng giúp người nông dân có thêm kiến thức về giá cả, cách thức bảo quản chế biến nông sản, thông tin thị trường, xu hướng tiêu dùng…

Người nông dân dần hình thành một cách sống mới, một cách sản xuất mới, một cách làm giàu mới: giàu về vật chất, giàu về tinh thần, giàu về trí tuệ.

Chúng ta cũng khuyến khích người nông dân thay đổi cách làm, thay vì chỉ quan tâm đến việc gia tăng sản lượng, thì cần phải chú trọng đến việc cải thiện, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Yếu tố mang tính quyết định không phải là giá cả, mà thể hiện ở giá trị. Giá trị đến từ sự kết tinh tri thức, cảm xúc, thậm chí là cả câu chuyện, trải nghiệm thực tế về vùng trồng, người trồng.

Một vùng nông thôn, một cộng đồng hãy cùng xây dựng một thương hiệu, một niềm tin cho người tiêu dùng. Thương hiệu đó được gầy dựng dựa trên chữ tín, ý thức bảo vệ môi trường, sự quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng…

Xu thế tiêu dùng càng ngày càng tìm đến những sản phẩm có thể chạm đến cảm xúc của khách hàng, chứ không chỉ cân lên bao nhiêu thì tính giá bao nhiêu. Chúng ta không chỉ giúp đỡ người nông dân bằng cách hỗ trợ vật chất, mà còn giúp người nông dân nâng cao nhận thức. Nhận thức rất quan trọng, giúp tạo ra giá trị gia tăng đột biến. Tôi tin chắc rằng nếu làm được điều đó sẽ kích hoạt được những tiềm năng to lớn ở người nông dân.

Muốn một nền nông nghiệp thông minh thì phải có những người nông dân thông minh, muốn một nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có những người nông dân chuyên nghiệp, muốn một nền nông nghiệp tử tế thì phải có những người nông dân tử tế.

- Theo ông việc tri thức hóa, hỗ trợ người nông dân có khó không khi chúng ta có tới hàng chục triệu người lao động trong ngành nông nghiệp? Trong khi những tổ chức hỗ trợ nông dân, hỗ trợ hợp tác xã vẫn chưa hoạt động tốt như kỳ vọng?

- Điều đó là hoàn toàn đúng, chúng ta cần phải nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn, khách quan những hoạt động hỗ trợ người nông dân trong thời gian qua. Chúng ta thường hay hỗ trợ vật chất, giúp giống sản xuất, nhưng quan trọng hơn, là cần phải quan tâm đến việc thay đổi nhận thức, giới thiệu những công nghệ, nông cụ đơn giản và kết nối thị trường cho người nông dân.

Muốn được như vậy thì bản thân những cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao nhiệm vụ giúp đỡ phải thay đổi tư duy trước. Chúng ta không chỉ cho con cá, không chỉ cho cần câu, mà còn giúp hướng dẫn cách sử dụng cái cần câu một cách có hiệu quả và khơi gợi tinh thần câu cá, khuyến khích thái độ sống đúng đắn, biết nghĩ cho người khác chứ không chỉ nghĩ cho riêng mình.

Chúng ta cũng không kỳ vọng hàng chục triệu hộ dân cùng lúc thay đổi. Nhưng nếu không bắt đầu từ bây giờ thì chờ đến khi nào. Chúng ta sẽ bắt đầu từ những cộng đồng năng động, sẵn lòng thay đổi, rồi lan tỏa ra rộng hơn. Cùng một điều kiện, cùng một vùng đất, cùng một xuất phát điểm, những mô hình hay có thể đóng vai trò dẫn dắt, giúp lan tỏa những điều tích cực.

Việc đánh giá một người nông dân tiêu biểu cũng cần được đo lường lại. Thu nhập hay hiệu quả sản xuất, kinh doanh chỉ là một phần, cần phải xem xét thêm về tinh thần hợp tác, ý thức cộng đồng, ý thức bảo vệ môi trường, sự quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Tính cộng đồng, tư duy tích cực, sự thay đổi nhận thức của người nông dân mới đáng trân quý, có sức lan tỏa sâu rộng hơn.

- Tuy vậy, nhưng một nền nông nghiệp mạnh phải có những doanh nghiệp mạnh. Thưa ông, làm thế nào để thu hút những doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao, ứng dụng đổi mới sáng tạo?

- Trong thời gian qua, một tín hiệu vui là rất nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào nông nghiệp. Nông nghiệp vốn là ngành rủi ro nhiều, sinh lời ít, thu hồi vốn chậm, nên xưa nay không nhiều doanh nghiệp mặn mà.

Trong tiến trình phát triển, muốn chuyển đổi nền nông nghiệp thì doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt. Chúng ta hay nói đến bài toán thị trường, thì giải quyết vấn đề thị trường chính là ở doanh nghiệp. Hơn ai hết, doanh nghiệp thông hiểu quy chuẩn thị trường, am tường cách phát triển thị trường.

Nếu không có doanh nghiệp thì người nông dân bơ vơ, lạc hướng trên thị trường. Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nông nghiệp là đặc biệt quan trọng. Nếu không có doanh nghiệp là không có thị trường, thiếu đi người dẫn dắt.

Có nhiều nhóm doanh nghiệp với quy mô khác nhau. Có doanh nghiệp đầu tư lớn, quy mô lớn, thị trường lớn, doanh nghiệp nhỏ thì quy mô nhỏ. Chợ lớn nhất của chúng ta là chợ toàn cầu. Từng cấp độ sẽ phân công lại thị trường lớn cho doanh nghiệp lớn, thị trường trung bình cho doanh nghiệp trung bình, thị trường nhỏ cho doanh nghiệp nhỏ, kể cả doanh nghiệp khởi nghiệp.

le minh hoan anh 2

Tôi cho rằng để ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thì cần chuyển từ chuỗi liên kết sang chuỗi giá trị ngành hàng. Chuỗi giá trị ngành hàng có nhiều công đoạn, quy trình để tạo ra một sản phẩm, cần sự tham gia của từ đơn vị chuyên nghiên cứu giống, đơn vị nghiên cứu cải tiến quy trình canh tác, đơn vị nghiên cứu bảo quản… đến đơn vị chế biến, đơn vị phân phối…

Người nông dân có thể đảm nhận một công đoạn trong chuỗi giá trị, nhưng doanh nghiệp sẽ là người đảm nhận những công việc khó khăn hơn, tạo ra giá trị đột biến hơn.

Khi tạo ra được chuỗi giá trị trong ngành hàng, với nhiều doanh nghiệp ở nhiều công đoạn khác nhau cũng thu hút được đội ngũ tri thức cho ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều vị trí việc làm, thu hút lao động trình độ cao.

Trong một hệ sinh thái, hiện diện nhiều doanh nghiệp với quy mô khác nhau. Có sự dẫn dắt của những “con đại bàng” để “mở đường” cho các “con chim sẻ”. Các “con chim sẻ” sẽ quay lại hỗ trợ “con đại bàng”. Các “con chim sẻ” sẽ được huấn luyện để trở thành những “con đại bàng”.

Chúng ta cùng nhau hợp tác để làm cho “chiếc bánh” thị trường ngày càng lớn hơn bằng chuỗi giá trị, thay vì tranh phần trong một chiếc bánh quá nhỏ bé.

- Israel đã rất thành công trong việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Trong khi việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp ở Việt Nam còn rất hạn chế. Theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể có một nền nông nghiệp thông minh, công nghệ cao như Israel?

- Chúng ta đã khá thành công với giống gạo ngon nhất thế giới của anh hùng Hồ Quang Cua. Tôi tin rằng chúng ta có thể làm tốt việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Vấn đề là phải đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn. Các nhà khoa học phải gắn việc nghiên cứu với thị trường. Phải luôn đặt câu hỏi chúng ta có tạo ra được sản phẩm với chi phí cạnh tranh và chất lượng tốt trên thị trường hay không.

Tôi nghĩ rằng cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng nhà khoa học phải “sát cánh kề vai” trong hệ sinh thái để có quy mô lớn hơn, để nghiên cứu có thể ứng dụng trên thực tiễn nhiều hơn, tiết giảm chi phí.

- Theo ông, mục tiêu lọt vào top 15 nền nông nghiệp mạnh nhất trên thế giới là cơ hội hay áp lực?

- Tôi nghĩ mỗi chúng ta nên tạo ra một áp lực cho mình, nếu không có áp lực thì không có động lực. Chúng ta có khó khăn của người đi sau, nhưng cũng có thuận lợi của người đi sau. Chúng ta vừa kế thừa được kết quả, tri thức của người đi trước, nhưng cũng có thể đón đầu những cơ hội mới.

Tuy nhiên, muốn đạt được thành công thì mỗi chúng ta không thể đi riêng một mình, mà nên đi cùng nhau. Tôi cho rằng phải mất 5 đến 10 năm để cùng nhau tạo lập ra, thay đổi nền nông nghiệp nước nhà. Hãy cùng nhau nuôi dưỡng khát vọng, mở rộng chiếc bánh của chúng ta ngày càng to hơn.

le minh hoan anh 3

- Để một nền nông nghiệp phát triển thì việc chiếm lĩnh thị trường nội địa gần 100 triệu dân cũng đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta có cần một cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng nông nghiệp Việt Nam? gia đình, ông có ưu tiên dùng các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam không?

- Gia đình tôi là thường dùng các sản phẩm gắn với người nông dân. Trước ở Đồng Tháp có hơn trăm hội quán và tôi thường dùng sản phẩm của các hội quán này.

Tôi thấy một đất nước khi đang phát triển thì ưu tiên tiêu dùng hàng nội địa là một hành động ý nghĩa của công dân. Chúng ta chưa thể so sánh ngay sản phẩm của chúng ta bằng các nước phát triển được. Sản phẩm của chúng ta có thể chưa đẹp bằng, chưa ngon bằng, nhưng chúng ta hãy nhớ vị mặn của giọt mồ hôi những người nông dân. Tại sao chúng ta không kiên nhẫn phản hồi, góp ý để mỗi sản phẩm nội địa ngày một tốt hơn?

Chúng ta đừng tầm thường quá chuyện mua bán sản phẩm nội địa, hãy nâng lên trở thành trách nhiệm. Đó là giọt mồ hôi và công sức bao nhiêu hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, gắn với bao nhiêu công ăn, việc làm. Tất nhiên là không quá cực đoan chỉ mua hàng Việt Nam, mà chúng ta hãy nên ưu tiên.

Người dân có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước thông qua một hành động đơn giản là mua hàng nội địa. Nhiều người mua hàng như vậy, hàng chục triệu người mua hàng sẽ đóng góp cho nền nông nghiệp, cho sự hưng thịnh của đất nước.

Từ phía hộ gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng cần trăn trở, đau đáu, dày công tìm tòi, nghiên cứu cải thiện chất lượng, phát triển sản phẩm, để hàng Việt Nam đủ sức chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Yêu nước chỉ đơn giản như vậy thôi.

- Ông có đặt mục tiêu cá nhân cho mình trong thời gian ti hay không?

- Tôi vẫn nghĩ về câu nói “bố mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn”. Tôi sẽ làm tốt nhất nhiệm vụ của mình, của một người gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông thôn, và nông dân.

Tôi muốn là người bạn đồng hành của người nông dân, luôn chia sẻ, thấu hiểu với những mối quan tâm, trăn trở của người nông dân, để làm thật tốt chức trách, bổn phận của mình, góp phần tạo dựng những “giá trị xanh” cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hiếu Công

Ảnh: Hoàng Hà - Đồ họa: Như Ý

Bạn có thể quan tâm