“Tầm bắn của các loại vũ khí mà quý vị gửi đến càng xa, chúng tôi sẽ đẩy chiến tuyến càng xa lãnh thổ của mình”, ông Lavrov nói với báo giới.
Trước đó, Mỹ đã thông báo sẽ gửi cho Ukraine hệ thống pháo phản lực HIMARS - vũ khí có tầm bắn xa hơn các loại pháo mà Ukraine đang sở hữu.
Chính phủ Anh ngày 6/6 cũng tuyên bố sẽ gửi hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 cho Ukraine, bất chấp cảnh báo của Nga. “Khi chiến thuật của Nga thay đổi, sự hỗ trợ của chúng tôi đối với Ukraine cũng phải thay đổi”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace giải thích quyết định này.
Anh sẽ chuyển hệ thống pháo phản lực M270 cho Ukraine. Ảnh: Chính phủ Anh. |
Dù vậy, cả Mỹ và Anh đều yêu cầu giới chức Ukraine cam kết các loại pháo phản lực này sẽ không được sử dụng để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, điều Washington và London lo ngại sẽ làm leo thang căng thẳng.
"Chúng tôi tin tưởng rằng vũ khí này sẽ được sử dụng một cách hợp lý”, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh nói với Guardian.
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 6/6 cho biết Moscow mong muốn đối thoại về vũ khí hạt nhân với Mỹ, theo TASS. Dù vậy, ông Peskov nhận định các cuộc đàm phán khó có thể diễn ra trong bối cảnh hiện nay.
“Chúng tôi quan tâm đến các cuộc đàm phán này vì tin rằng việc tiếp tục đối thoại và thảo luận về vấn đề này là cần thiết, trong bối cảnh an ninh châu Âu và thế giới có các thay đổi lớn”, ông Peskov tuyên bố. “Các cuộc đối thoại này là cần thiết - cả thế giới cần chúng”.