Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Kim Jong Un vẫn chưa phát biểu đầu năm, chỉ gửi thư đến toàn dân

Thay vì phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un viết thư gửi người dân để cầu chúc năm mới an khang thịnh vượng.

Thế giới đang đợi chờ bài phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong Un để có một cái nhìn trước về dự định của Triều Tiên trong năm 2021 cũng như tương lai chương trình hạt nhân của nước này, đặc biệt khi nước Mỹ sắp bước vào nhiệm kỳ của một tổng thống mới.

Dù vậy, đến ngày 1/1, vẫn không rõ ông Kim có phát biểu hay không, truyền thông nhà nước Triều Tiên không cho biết ông có quay lại truyền thống phát biểu hay đưa ra một báo cáo như năm 2020 không.

Triều Tiên vẫn đón năm mới tưng bừng

“Chúc mừng năm mới. Tôi xin gửi lời chúc chân thành tới mọi người khi chúng ta cùng đón năm mới. Tôi xin chân thành chúc mọi gia đình trên cả nước được hạnh phúc hơn, chúc sức khỏe những người thân yêu”, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un viết trong thư.

“Trong năm mới, tôi sẽ làm việc chăm chỉ hơn để thực hiện mong muốn và lý tưởng của người dân”, ông Kim viết. Ông cũng gửi lời cảm ơn tới “nhân dân vì đã luôn tin tưởng và ủng hộ đảng ngay cả trong thời điểm khó khăn”.

“Một lần nữa, tôi cam kết sẽ luôn trung thành với những người dân vĩ đại”, nhà lãnh đạo Triều Tiên viết.

thong diep dau nam cua ong Kim Jong Un anh 1

Trong ngày đầu năm mới, thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên đang nhộn nhịp với các hoạt động nhạc hội và bắn pháo hoa. Ảnh: Reuters.

Trong ngày đầu năm mới, thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên đang nhộn nhịp với các hoạt động nhạc hội và bắn pháo hoa, dù vẫn áp đặt nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Hình ảnh từ kênh truyền hình quốc gia cho thấy người dân Triều Tiên đón giao thừa tại quảng trường Kim Nhật Thành, thủ đô Bình Nhưỡng. Những người tham gia vẫn đeo khẩu trang dù đứng sát nhau.

Thông thường, ngày đầu năm là dịp để nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi thông điệp đến người dân và toàn thế giới. Do đó, động thái của ông Kim trong thời điểm này luôn thu hút sự quan tâm của công chúng.

Thông điệp được mong chờ

Phía Triều Tiên vẫn chưa xác nhận việc ông Kim Jong Un có phát biểu trong ngày đầu năm hay không. Đây là một hoạt động chính trị truyền thống của nhà cầm quyền trong hầu hết các năm kể từ 2012. Dù vậy, trong ngày đầu năm ngoái, ông cũng từng khiến thế giới bất ngờ khi không phát biểu mà chỉ công bố bản báo cáo dài 4.000 từ.

Bloomberg nhận định bài phát biểu đầu năm 2021 của ông Kim cũng có thể được dời đến đầu tháng 1, thời điểm tổ chức Đại hội đảng Lao động cầm quyền. Đây được coi là sự kiện chính trị quan trọng nhất năm của Triều Tiên.

Dù vào thời điểm nào, bài phát biểu của ông Kim cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Thế giới đang chờ đợi nhà lãnh đạo Triều Tiên phản ứng về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, với chiến thắng nghiêng về ông Joe Biden.

Ông Kim Jong Un là một trong số ít các nhà lãnh đạo thế giới chưa chúc mừng ông Joe Biden. Trong 4 năm qua, ông Kim đã 3 lần gặp trực tiếp Tổng thống đương nhiệm Mỹ Donald Trump, đối thủ tranh cử của ông Joe Biden.

Trong bản báo cáo chính trị đầu năm 2020, ông Kim nói ông không bị ràng buộc bởi các cam kết cấm thử tên lửa, vốn được đưa ra trong các cuộc đàm phán với Tổng thống Trump.

thong diep dau nam cua ong Kim Jong Un anh 2

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu trên truyền hình. Ảnh: Bloomberg.

Ông Kim đồng thời kêu gọi “những hành động thực chất và gây shock” để bắt nước Mỹ “trả giá cho đau thương”, xuất phát từ hàng loạt lệnh cấm vận do Mỹ dẫn đầu.

Hồi tháng 10, ông Kim từng có một bài phát biểu đầy xúc động tại lễ duyệt binh. Ông gần như bật khóc khi nói về sự đấu tranh để chống lại các lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế. Tại sự kiện này, ông cũng tung ra loạt vũ khí mới, được thiết kế để tấn công Mỹ và các đồng minh, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di dộng lớn nhất thế giới.

Theo Bloomberg, bất kỳ bài phát biểu nào của ông Kim trong thời gian tới cũng có thể hồi sinh các cuộc đàm phán hạt nhân đang bỏ ngỏ. Do đó, thế giới đang thắc mắc liệu ông Kim có kiềm chế tham vọng hạt nhân để đổi lấy lợi ích kinh tế hay không, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Trong năm 2020, cộng đồng quốc tế đã siết chặt các lệnh trừng phạt trong khi Triều Tiên quyết định đóng cửa biên giới để chống dịch. Cả hai động thái này đều đẩy nền kinh tế Triều Tiên, vốn luôn ở trong tình trạng yếu thế, rơi vào cảnh suy thoái trầm trọng nhất kể từ nạn đói năm 1990.

Đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa xác nhận ca mắc Covid-19 nào. Quốc gia này từng nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, như đóng cửa biên giới hay phong tỏa toàn thành phố, ngay khi nắm được diễn biến dịch ở Trung Quốc hồi đầu năm.

Giới chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng phản ứng thận trọng vì ông Kim Jong Un nhận thức được tiềm lực y tế, kinh tế hạn hẹp. Những yếu tố này sẽ khiến Triều Tiên gặp rắc rối lớn nếu bị đại dịch tấn công như các nước khác.

Triều Tiên họp Bộ Chính trị, chuẩn bị cho đại hội đảng quan trọng

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị của đảng Lao động Triều Tiên để chuẩn bị cho đại hội của đảng này vào tháng 1 tới, theo truyền thông nhà nước.

Ông Kim Jong Un chuẩn bị bất ngờ gì cho tân tổng thống Mỹ?

Triều Tiên có thể không nằm ở vị trí quan trọng trong ưu tiên chính sách một khi ông Joe Biden nhậm chức, nhưng ông Kim Jong Un nhiều khả năng vẫn tìm cách giành lại sự quan tâm.

Em gái ông Kim Jong Un cảnh báo ngoại trưởng Hàn Quốc phải trả giá đắt

Bà Kim Yo Jong chỉ trích ngoại trưởng Hàn Quốc vì nghi ngờ việc Triều Tiên tuyên bố không có ca mắc Covid-19, đồng thời cảnh báo ngoại trưởng Hàn Quốc phải trả giá đắt vì điều này.

Uyên Uyên

Bạn có thể quan tâm