Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Phản ứng hiếm thấy của nhà lãnh đạo Kim Jong Un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ trích các quan chức y tế đã không nhìn nhận đúng về "cuộc khủng hoảng" hiện nay, đồng thời yêu cầu quân đội vào cuộc để đảm bảo nguồn cung cấp thuốc.

dich Covid-19 o Trieu Tien anh 1

Nhân viên khử trùng tại cửa hàng tổng hợp thực phẩm Kyonghung ở Bình Nhưỡng ngày 10/11/2021. Ảnh: AP.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 16/5 báo cáo hơn 1,2 triệu người mắc các triệu chứng "sốt", chỉ sau 4 ngày kể từ khi công bố đợt bùng dịch Covid-19 đầu tiên, bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc.

Trước dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã "chỉ trích mạnh mẽ" các quan chức y tế vì phản ứng thiếu hiệu quả trong phòng chống dịch. Đặc biệt là việc không mở cửa các hiệu thuốc 24/7.

Hãng truyền thông nhà nước KCNA dẫn lời ông Kim cho biết việc không phân phối thuốc đúng cách là “do các quan chức trong chính quyền và ngành y tế công cộng đã không xắn tay áo vào làm, không nhìn nhận đúng về cuộc khủng hoảng hiện nay".

Ông Kim đang đặt bản thân ở vị trí trung tâm và mũi nhọn trong ứng phó dịch, giám sát các cuộc họp khẩn cấp gần như hàng ngày của Bộ Chính trị về đợt bùng phát dịch bệnh mà ông cho rằng đang gây ra "biến động lớn" trong nước.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đến các hiệu thuốc để trực tiếp kiểm tra, và "chỉ trích mạnh mẽ các quan chức phụ trách, vì thái độ làm việc vô trách nhiệm của họ".

Ông Kim cũng chỉ ra sự thiếu sót trong việc giám sát, đồng thời cảnh báo "một số vấn đề tiêu cực trong việc quản lý và bán thuốc trên toàn quốc", AFP đưa tin.

Sau đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên yêu cầu quân đội "ngay lập tức ổn định nguồn cung cấp thuốc ở thủ đô Bình Nhưỡng", nơi phát hiện các ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên vào tuần trước.

dich Covid-19 o Trieu Tien anh 2

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến các hiệu thuốc để trực tiếp kiểm tra. Ảnh: AFP.

Tình trạng khủng hoảng

Giáo sư Yang Moo Jin, Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên (Seoul), cho biết những lời chỉ trích công khai của ông Kim là một dấu hiệu cho thấy tình hình trên thực tế đang rất đáng lo ngại.

“Ông ấy đang chỉ ra sự bất cập trong toàn bộ hệ thống kiểm dịch”, vị giáo sư nói.

Theo các chuyên gia, Triều Tiên có một trong những hệ thống y tế yếu nhất thế giới, với các bệnh viện thiếu thiết bị, ít đơn vị chăm sóc đặc biệt, không có khả năng xét nghiệm hàng loạt và thuốc điều trị Covid-19.

“Khi đến thăm một hiệu thuốc, ông Kim Jong Un đã tận mắt chứng kiến ​​tình trạng thiếu thuốc ở Triều Tiên”, ông Cheong Seong Jang, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong, nói với AFP.

"Ông Kim có thể đã dự đoán được điều này nhưng tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn", vị chuyên gia nói thêm.

Chia sẻ về tình hình đáng lo ngại ở Triều Tiên, bà Lina Yoon, nhà nghiên cứu cấp cao về Triều Tiên ở Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Phần lớn người dân Triều Tiên đều gặp vấn đề về dinh dưỡng và không được tiêm phòng. Trong nước hầu như không còn bất kỳ loại thuốc nào và cơ sở hạ tầng y tế không đủ khả năng để đối phó với đại dịch này”, theo Asian Times.

dich Covid-19 o Trieu Tien anh 3

Triều Tiên đã duy trì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kể từ đầu đại dịch. Ảnh: Reuters.

Tính đến ngày 16/5, Triều Tiên đã ghi nhận 50 ca tử vong, 1.213.550 trường hợp bị "sốt" và hơn nửa triệu người đang được điều trị y tế.

Triều Tiên đã duy trì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kể từ đầu đại dịch. Tuy nhiên, với sự bùng phát quy mô lớn của biến chủng Omicron ở các nước láng giềng, các chuyên gia cho rằng việc virus corona “xâm nhập” vào quốc gia này là không thể tránh khỏi.

Cần giúp đỡ Triều Tiên

Trước nguy cơ lây lan nhanh chóng ở Bình Nhưỡng hiện nay, các chuyên gia cho rằng Triều Tiên sẽ phải tìm đến những lời đề nghị giúp đỡ của các tổ chức và quốc gia khác trên thế giới mà họ vốn từ chối trước đó.

Triều Tiên từng từ chối đề nghị cung cấp vaccine từ Trung Quốc và chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, kể từ khi Bình Nhưỡng công bố đợt bùng dịch đầu tiên, cả Bắc Kinh và Seoul đều đưa ra lời đề nghị viện trợ mới.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 16/5 cho biết nước này sẽ giúp đỡ Triều Tiên hết mình để kiểm soát dịch Covid-19.

"Nếu Triều Tiên chấp thuận (đề nghị hỗ trợ của Hàn Quốc), chúng tôi sẽ không bỏ qua bất cứ sự giúp đỡ cần thiết nào bao gồm thuốc men, vaccine Covid-19, thiết bị y tế và nhân lực", ông Yoon nói trong một bài phát biểu.

dich Covid-19 o Trieu Tien anh 4

Nhân viên phun thuốc khử trùng tại một cửa hàng bách hóa dành cho trẻ em ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Cheong Seong Jang cho rằng việc tiếp nhận sự trợ giúp từ Hàn Quốc có thể làm tổn hại "cái tôi" của Triều Tiên, và buộc nước này ngừng kế hoạch thử hạt nhân.

“Nếu ông Kim Jong Un vẫn quyết tâm tiến hành vụ thử (hạt nhân), ông ấy sẽ không chấp nhận sự giúp đỡ của Hàn Quốc”, vị chuyên gia nói.

Các hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Triều Tiên vẫn tiếp tục quá trình xây dựng một lò phản ứng hạt nhân vốn ngừng hoạt động suốt nhiều năm, bất chấp cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.

Mỹ và Hàn Quốc cũng cảnh báo rằng Triều Tiên đang chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân thứ bảy, sớm nhất là trong tháng này.

Video ông Kim Jong Un chỉ đạo phóng tên lửa 'quái vật' Triều Tiên đăng video ấn tượng và đầy kịch tính về việc ông Kim Jong Un chỉ đạo phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17, được giới phân tích mệnh danh là "tên lửa quái vật".

Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố làm hết sức hỗ trợ Triều Tiên chống dịch

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 16/5 tuyên bố sẽ làm hết sức để giúp đỡ Triều Tiên chống lại đại dịch Covid-19, nếu Bình Nhưỡng chấp thuận.

Triều Tiên công bố hơn 1,2 triệu 'ca sốt' trong 4 ngày

Triều Tiên ngày 16/5 báo cáo thêm 8 trường hợp tử vong do "sốt" trong bối cảnh nước này gần đây lần đầu tiên công bố một đợt bùng phát Covid-19.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm