Hãng thông tấn nhà nước KCNA cho biết đến nay tổng cộng 50 người đã chết, với 1.213.550 trường hợp sốt và ít nhất 564.860 người đang được điều trị y tế.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã ra lệnh cho quân đội "ngay lập tức ổn định nguồn cung cấp thuốc ở thành phố Bình Nhưỡng bằng cách tham gia vào lực lượng hùng hậu của quân y trong Quân đội Nhân dân", KCNA đưa tin.
Trước đó, trong cuộc họp khẩn của Bộ Chính trị hôm 15/5 ông Kim thừa nhận đợt bùng phát Covid-19 đang gây ra "biến động lớn" đối với đất nước. Ông nói rằng "các đơn đặt hàng vẫn chưa được thực hiện hiệu quả và thuốc men chưa được cung cấp đủ cho các hiệu thuốc".
"Các quan chức của nội các và ngành y tế công cộng phụ trách việc cung ứng đã không làm hết sức, không nhìn nhận đúng về cuộc khủng hoảng hiện nay", ông Kim nói với các quan chức.
Trong cuộc họp, ông Kim bày tỏ sự không hài lòng về việc thuốc chưa được cung cấp đầy đủ và kịp thời dù Bộ Chính trị đã ban hành "lệnh khẩn cấp giải phóng ngay và cung cấp kịp thời thuốc dự trữ nhà nước" và "lệnh cho tất cả các nhà thuốc chuyển sang hoạt động 24 giờ".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc họp về Covid-19 ngày 14/5. Ảnh: KCNA. |
Ông cũng chỉ trích ngành tư pháp và công tố, đặc biệt là Giám đốc Văn phòng Công tố Trung ương, vì đã không giám sát và kiểm soát pháp lý đối với việc cung cấp thuốc, cũng như không khắc phục "một số hiện tượng tiêu cực trong việc xử lý và bán thuốc trên toàn quốc”.
Sau cuộc họp, ông Kim đã đến các hiệu thuốc ở quận Taedonggang ở Bình Nhưỡng để kiểm tra việc cung cấp và bán thuốc, cũng như kiểm tra loại thuốc đã được cung cấp.
Ông chỉ ra rằng hầu hết nhà thuốc đều trong tình trạng "nghèo nàn", được trang bị tủ trưng bày thuốc nhưng thiếu "nhà kho". Vị lãnh đạo đồng thời chỉ trích một số dược sĩ không mặc áo choàng trắng phù hợp trong khi làm việc.
Ông Kim đang đặt chính mình ở vị trí "trung tâm và mũi nhọn" trong nỗ lực ứng phó Covid-19 của đất nước", ông Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nói với AFP.
"Ngôn từ mà ông Kim sử dụng cho thấy tình hình ở Triều Tiên có thể nghiêm trọng hơn trước khi nó được kiểm soát", vị chuyên gia nhận định.
Một số nhà quan sát nhận định bài phát biểu hôm 14/5 của ông Kim dường như “mở đường" cho việc tiếp nhận viện trợ quốc tế. Còn ông Leif-Eric Easley cho rằng đây cũng có thể là tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đang “tập hợp quần chúng" để sẵn sàng cho “sự hy sinh hơn nữa”.
Triều Tiên cho đến nay được tin là không có vaccine hoặc thuốc điều trị Covid-19, cũng như khả năng xét nghiệm hàng loạt.
Điều này đang làm dấy lên lo ngại sẽ gây lên gánh nặng cho hệ thống y tế mỏng manh và nền kinh tế vốn bị tổn thương của nước này, dẫn tới nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng diện rộng.
Triều Tiên đã đóng cửa biên giới từ đầu năm 2020. Thông tin từ bên trong Triều Tiên rất khan hiếm. Không có phóng viên, nhân viên viện trợ hoặc nhà ngoại giao nào có thể thường xuyên ra vào quốc gia này, do đó các chuyên gia chỉ có thể phỏng đoán về tình hình thực tế tại Triều Tiên.