Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đến Việt Nam hôm 26/2 để dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, nơi hai bên cố gắng đạt được thỏa thuận về cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi đó sẽ tới Hà Nội vào tối nay.
Áp lực từ cả hai phía
Nói với các phóng viên trên chuyên cơ Air Force One, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc trò chuyện ngắn trong cuộc gặp mặt riêng, sau đó là bữa tối xã giao cùng hai khách mời theo kèm và các phiên dịch viên. Họ sẽ gặp lại nhau vào ngày 27/2.
Cuộc hội đàm của họ diễn ra 8 tháng sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore trong cuộc gặp lần đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Theo Reuters, cả hai đều có áp lực để vượt qua những cam kết còn mơ hồ họ từng đưa ra ở Singapore nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Đổi lại, ông Kim mong đợi những nhượng bộ đáng kể của Mỹ như nới lỏng trừng phạt và tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (giữa) có mặt ở ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, vào sáng 26/2, sau hành trình dài 4.500 km trên tàu hỏa để tới Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh. Ảnh: Thuận Thắng. |
Khởi hành từ thủ đô của Triều Tiên bằng tàu hỏa, ông Kim đã đến nhà ga ở thị trấn Đồng Đăng của Việt Nam sáng nay vào lúc 8h15.
Đón tiếp ông Kim tại nhà ga có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và các quan chức cấp cao khác. Ông Kim được đón trọng thị với thảm đỏ, đội vệ binh danh dự cùng những lá cờ của Triều Tiên và Việt Nam.
Em gái Kim Yo Jong, phụ tá thân tín của ông Kim, cũng tới cùng anh trai. Khoảng một chục vệ sĩ chạy dọc theo xe của nhà lãnh đạo Triều Tiên khi ông khởi hành cho chuyến đi kéo dài hai giờ đến thủ đô Hà Nội.
Đường phố bị phong tỏa. Lực lượng an ninh Việt Nam được trang bị xe bọc thép thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường đến khách sạn Melia, nơi ông nghỉ lại. Dọc đường, ông Kim được người dân địa phương chào đón nhiệt liệt.
Cả ông Kim Jong Un và ông Trump sẽ có cuộc hội đàm riêng với các lãnh đạo Việt Nam trong những ngày tới.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sáng nay cũng đã hạ cánh tại Nội Bài. Ông là đặc phái viên hàng đầu của ông Trump trong nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên và đã thực hiện nhiều chuyến đi tới Bình Nhưỡng để đàm phán chấm dứt chương trình hạt nhân.
Ông Pompeo sẽ gặp đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun tại Hà Nội sau đó.
Hội nghị thượng đỉnh "trọng đại"
Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng ông và ông Kim sẽ có "một hội nghị thượng đỉnh rất trọng đại".
Viết trên Twitter hôm 25/2, ông nhấn mạnh lợi ích cho Triều Tiên nếu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân. "Với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Triều Tiên sẽ nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế. Nếu không làm như vậy, mọi thứ sẽ như cũ. Chủ tịch Kim sẽ đưa ra quyết định sáng suốt!", ông Trump khẳng định.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu tối 24/2, ông Trump dường như nói rõ triển vọng tại Hà Nội sẽ là những bước tiến nhỏ. Tổng thống Mỹ nói rằng ông sẽ rất vui nếu Triều Tiên duy trì tạm dừng thử nghiệm vũ khí thay vì yêu cầu phi hạt nhân hóa nhanh như trước.
Nhà khách Chính phủ tại Hà Nội là một trong hai địa điểm trung tâm thành phố nơi ông Trump và ông Kim có thể gặp nhau. Ảnh: AP. |
"Tôi không vội vàng. Tôi không muốn giục giã bất cứ ai. Tôi chỉ không muốn thử nghiệm. Miễn là không có thử nghiệm, chúng tôi sẽ vui vẻ", ông nói.
Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân cuối cùng vào tháng 9/2017 và thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần nhất vào tháng 11/2017.
Các nhà phân tích nói rằng hai nhà lãnh đạo phải có những kết quả cụ thể để vượt ra khỏi hình ảnh một hội nghị thượng đỉnh mang tính biểu tượng.
"Nhiệm vụ cơ bản nhất nhưng cấp bách nhất là đồng thuận về những gì cần thiết đối với phi hạt nhân hóa. Sự mơ hồ và tối nghĩa của thuật ngữ 'phi hạt nhân hóa' chỉ làm trầm trọng thêm sự hoài nghi về các cam kết phi hạt nhân hóa của cả Mỹ và Triều Tiên", Gi Wook Shin, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Stanford, nói với Reuters.
Trong khi Mỹ yêu cầu Triều Tiên từ bỏ tất cả các chương trình hạt nhân và tên lửa, Triều Tiên muốn thấy chiếc ô hạt nhân của Mỹ cho Hàn Quốc bị loại bỏ.
Một phát ngôn viên của tổng thống Hàn Quốc nói với các phóng viên ở Seoul hôm 25/2 rằng hai bên có thể đồng ý chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, một động thái mà Triều Tiên mong mỏi từ lâu. Cuộc chiến chỉ kết thúc với việc ký kết hiệp định đình chiến, không phải thỏa thuận hòa bình.
Trong khi hiệp ước hòa bình chính thức có thể đòi hỏi chặng đường dài, hai bên đã thảo luận về khả năng đưa ra tuyên bố chính trị rằng cuộc chiến đã chấm dứt.