Với quyết định này, Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), trường đại học phi lợi nhuận tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến chính thức hoạt động vào mùa thu này với chương trình thạc sĩ chính sách công – kế thừa chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) hiện tại.
Các quan chức Việt - Mỹ chứng kiến lễ trao quyết định thành lập Đại học Fulbright Việt Nam sáng nay. Ảnh: Thanh Tùng |
Dự kiến tới năm 2018, Trường Khoa học Xã hội Nhân văn thuộc Đại học Fulbright sẽ chính thức tuyển sinh các sinh viên đại học. Dự kiến khi đạt quy mô lớn nhất, trường Fulbright mỗi năm sẽ có khoảng 6.000-10.000 sinh viên.
Bà Đàm Bích Thuỷ, hiệu trưởng Đại học Fulbright, nói trường muốn tạo ra tác động tích cực cho hệ thống giáo dục Việt Nam với cách tiếp cận mở đối với chia sẻ kiến thức. "Chúng tôi muốn được chia sẻ tri thức của mình với các trường khác tại Việt Nam và trên thế giới, đồng thời cũng học hỏi từ các trường".
Bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại lễ trao quyết định thành lập FUV. Ảnh: Thanh Tùng |
Với số vốn đăng ký ban đầu là 70 triệu USD, trường FUV đã nhận được cam kết tài trợ khoảng 60 triệu USD bằng tiền và các hình thức khác. Theo đại diện FUV, họ cần nhiều tiền hơn để có thể hiện thực hoá tham vọng của trường.
"Chúng tôi ước tính sẽ cần huy động 150 triệu USD trong 5 năm đầu tiên", bà Đàm Bích Thuỷ nói.
FUV cho biết sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên quốc tế và đặc biệt chú trọng tuyển dụng những học giả và nhà khoa học người Việt được đào tạo từ quốc tế.
Dự lễ trao quyết định có Bí thư thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng cùng Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong.