Doanh thu mảng thời trang của công ty IPPG trong 9 tháng đầu năm đạt 3.692 tỷ đồng. Con số này ghi nhận mức tăng kỷ lục 97,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tăng 44,9% so với cùng kỳ năm 2019 là thời điểm trước dịch bệnh.
Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) 9 tháng đầu năm 2022 đạt 492,4 tỷ đồng, tương đương tăng 110,6% so với cùng thời điểm này năm 2019. Điều này tạo ra dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh khỏe mạnh và ổn định, trong bối cảnh các nguồn tiền từ hoạt động vay đang có mức lãi suất tăng cao.
Lũy kế, mảng này mang lại 379,3 tỷ đồng lợi nhuận cho công ty IPPG. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 10,3%, cao nhất trong 4 năm qua từ năm 2019.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của mảng thời trang tại IPPG. Ảnh: IPPG. |
Tập đoàn IPPG thông qua 2 Công ty thành viên ACFC và DAFC đang làm phân phối độc quyền tại Việt Nam hơn 100 thương hiệu như Rolex, Cartier Dolce Gabbana, Nike, Mango... Mảng kinh doanh hàng hiệu này đóng góp hơn 35% doanh thu của cả tập đoàn.
Một công ty khác của gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Sasco cũng có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III.
Doanh thu thuần của công ty đạt 414 tỷ đồng, tăng mạnh 7,2 lần so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế đạt 113 tỷ đồng, doanh thu hoạt động phòng chờ đạt 93 tỷ đồng, còn lại là doanh thu từ các hoạt động khác.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Sasco đạt 35 tỷ đồng, gấp gần 17 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nếu so với mức lãi 86 tỷ đồng của quý II thì lãi ròng quý III đã giảm gần 58%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sasco ghi nhận doanh thu thuần 841 tỷ đồng, tăng 224% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng mạnh lên mức 121 tỷ đồng. Nếu so với con số 305 triệu đồng của quý III/2021, đây là một con số rất tích cực.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế