“Nếu họ xây một bức tường dày mà chúng ta cứ đầu đập vào đó, điều ấy sẽ là vô ích”, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn nói với báo chí ngày 8/1, Reuters đưa tin. “Campuchia dùng cách tiếp cận khác để đạt được đồng thuận 5 điểm”.
Bộ trưởng Prak Sokhonn đã tháp tùng Thủ tướng Hun Sen trong chuyến thăm Myanmar vào các ngày 7-8/1. Ông Hun Sen là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Myanmar sau chính biến vào tháng 2/2021.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) có chuyến thăm hai ngày đến Myanmar để hội kiến Thống tướng Min Aung Hlaing (phải). Ảnh: AFP. |
Ông Prak Sokhonn phủ nhận chuyến đi lần này đồng nghĩa với việc ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar. Theo ông, đây là một cách khác để thực thi đồng thuận 5 điểm - bản kế hoạch hòa bình mà ASEAN cùng nhất trí vào tháng 4/2021.
Bình luận của ông Prak Sokhonn cho thấy Campuchia, nước chủ tịch ASEAN trong năm 2022, nhiều khả năng sẽ mời quan chức chính quyền quân sự Myanmar tới các cuộc họp của ASEAN, có thể bắt đầu với cuộc họp ngoại trưởng vào ngày 17/1.
Vị bộ trưởng Ngoại giao cũng xác nhận ông Hun Sen không đề nghị được gặp bà Suu Kyi, người bị giam giữ từ vụ chính biến vào tháng 2/2021 và đang đối diện nhiều cáo trạng.
Ông Prak Sokhonn dự kiến trở thành đặc phái viên của ASEAN về vấn đề Myanmar, thay cho ngoại trưởng Brunei. Ông Prak Sokhonn cho rằng việc đặc phái viên hiện tại từ chối tới Myanmar nếu không được đảm bảo cho gặp bà Suu Kyi là không hiệu quả.
Trước đó, ASEAN đã có động thái chưa có tiền lệ là không mời Thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự, tới thượng đỉnh thường kỳ của tổ chức.
Ngày 8/1, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin vị thống tướng đã cảm ơn ông Hun Sen vì “đứng cạnh Myanmar”. Quân đội Myanmar cho biết chiếm quyền kiểm soát để phản ứng trước gian lận bầu cử và điều này phù hợp với hiến pháp.