Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Thống tướng Myanmar sau binh biến

Thủ tướng Campuchia đang trong chuyến công du hai ngày đến Myanmar, trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm nước này kể từ cuộc binh biến hồi tháng 2/2021.

Chuyến công du của thủ tướng Campuchia (bắt đầu từ ngày 7/1) được tháp tùng bởi Bộ trưởng Ngoại giao Prak Sokhonn và các quan chức cấp cao khác. Trong chuyên thăm, phía Campuchia đã trao tặng khẩu trang, máy thở, máy tạo oxy và các thiết bị y tế khác để giúp Myanmar đối phó với đại dịch Covid-19, Straits Times đưa tin.

Hai nhà lãnh đạo đã cụng khuỷu tay để chào hỏi, một sự thay thế cho cái bắt tay trong thời kỳ đại dịch. Theo truyền hình nhà nước Myanmar, nhà lãnh đạo quân đội đã bày tỏ lòng biết ơn khi ông Hun Sen đã ủng hộ các nỗ lực khôi phục hòa bình ở Myanmar.

Ong Hun Sen cong du hai ngay den Myanmar. anh 1

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) hội kiến Thống tướng Min Aung Hlaing (phải) trong cuộc gặp tại thủ đô Naypyitaw, Myanmar ngày 7/1. Ảnh: EPA-EFE/TVK.

Theo thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao của chính quyền quân sự tối 7/1, Tướng Min Aung Hlaing đã đề cập đến lệnh ngừng bắn mà chính quyền của ông vừa tuyên bố áp dụng với tất cả các tổ chức sắc tộc có vũ trang đến cuối năm 2022 trong cuộc hội đàm với ông Hun Sen.

Thống tướng “kêu gọi tất cả các bên liên quan chấp nhận lệnh ngừng bắn vì lợi ích của đất nước và người dân, chấm dứt mọi hành vi bạo lực và thực hiện kiềm chế tối đa”, thông cáo cho biết.

Ông Min Aung Hlaing được cho là đã hoan nghênh sự tham gia của đặc phái viên ASEAN về Myanmar - Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn - tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn với những tổ chức sắc tộc có vũ trang ở Myanmar.

Cả hai nhà lãnh đạo cho biết họ ủng hộ việc triệu tập một cuộc họp có sự tham gia của đặc phái viên ASEAN, tổng thư ký ASEAN, các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc, cùng các tổ chức của Myanmar như Hội Chữ thập đỏ để thúc đẩy việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Myanmar hiệu quả hơn.

Ông Hun Sen thực hiện chuyến thăm mà không đặt ra điều kiện tiên quyết, dẫn đến những lời chỉ trích rằng ông đang phá bỏ thỏa thuận khó đạt được của ASEAN về việc loại trừ chính quyền quân sự Myanmar khỏi các cuộc họp cấp cao nếu họ không có bất kỳ tiến bộ nào để đáp ứng Đồng thuận 5 điểm của khối.

Đặc phái viên đầu tiên của ASEAN, Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei là Erywan Yusof đã không đến thăm Myanmar hồi năm ngoái theo như Đồng thuận 5 điểm của khối vì chính quyền quân sự không cho phép ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo bị truất quyền sau đảo chính, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.

Nguyễn Thanh Hải

Bạn có thể quan tâm