Thủ tướng Campuchia dự kiến gặp Thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar.
Chuyến thăm kéo dài hai ngày 7-8/1 của ông Hun Sen, Thủ tướng quốc gia nắm giữ ghế chủ tịch luân phiên năm 2022 của ASEAN, đánh dấu lần đầu tiên một lãnh đạo nước ngoài thăm Myanmar kể từ cuộc chính biến hồi tháng 2/2021, theo Nikkei Asia.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (trái) có chuyến thăm hai ngày đến Myanmar để hội kiến Thống tướng Min Aung Hlaing (phải). Ảnh: AFP. |
Trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Hun Sen, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nội chiến ở Myanmar.
“Cuộc khủng hoảng chính trị và an ninh ở Myanmar đang ngày càng trầm trọng, dẫn đến khủng hoảng về kinh tế, y tế và nhân đạo”, ông Sokhonn nói, theo AFP. “Chúng tôi cảm thấy mọi yếu tố cho một cuộc nội chiến đã xuất hiện”.
Tuyên bố của ông Sokhonn được đưa ra trong buổi diễn thuyết tại trung tâm nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Institute ở Singapore hôm 3/1.
Hôm 5/1, Thủ tướng Hun Sen cho biết ông không đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào để khởi động các cuộc đàm phán ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar, và ông sẵn sàng kéo dài chuyến đi nếu nó mang lại "kết quả tốt đẹp".
Ông nhấn mạnh rằng các cuộc thảo luận sẽ bám sát đồng thuận 5 điểm mà lãnh đạo các nước ASEAN đã đạt được hồi tháng 4/2021 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Trong 5 điểm trên có lời kêu gọi chấm dứt bạo lực và tiến hành đối thoại giữa "tất cả bên".
Ông Hun Sen không đề cập đến việc sẽ gặp gỡ bà Aung San Suu Kyi hay chính phủ thống nhất quốc gia Myanmar, một chính quyền tồn tại song song (với chính quyền quân sự) được các nhà lập pháp đã thắng cử hồi năm 2020 thành lập.
Trong năm Brunei làm Chủ tịch luân phiên ASEAN 2021, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar đã không được mời tham dự hai sự kiện quan trọng gồm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 hồi tháng 10/2021 và Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại vào tháng trước.