Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Hoàng Văn Cường: Chính phủ cần có cơ chế đặt hàng doanh nghiệp

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ dành một phần đầu tư công để đặt hàng hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành công nghiệp.

Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội 2022 chiều 27/10, đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đặt vấn đề trong năm 2023 kinh tế thế giới đối mặt với lạm phát và khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng làm thế nào vượt qua vòng xoáy khủng hoảng này.

"Chúng ta không nên say sưa với thành công mà phải nhìn nhận những thách thức đặt ra phía trước", ông nhấn mạnh.

Theo đại biểu, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, lại có sẵn thị trường nội địa gần 100 triệu dân là bệ đỡ quan trọng của doanh nghiệp. Do đó, cần tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước.

Nếu khủng hoảng kinh tế, thị trường thế giới sẽ bị thu hẹp, phải tăng cường giữ vững thị trường trong nước đồng thời phải khai thác thế mạnh các hiệp định thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu.

"Sau 2 năm, nợ của doanh nghiệp đang là một thách thức lớn. Sang năm 2023, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức khi chính sách tài khóa kết thúc, trong bối cảnh kinh tế nếu rơi vào khủng hoảng sẽ đẩy doanh nghiệp rơi vào phá sản", ông nhận định.

Theo đại biểu, ngay từ bây giờ phải tính đến phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp xấu nhất. Ông đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp với chính sách tài khóa ngược, bởi nợ công vẫn trong mức kiểm soát (khoảng 60%).

tap doan kinh te anh 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh. Ảnh: Quochoi.

Theo đó, ông cho rằng thu ngân sách năm 2023 không nên đặt quá cao như năm 2022, song ông băn khoăn với chỉ tiêu kế hoạch bội chi năm 2023 chúng ta chỉ đặt ra 2,89%, thấp hơn năm 2022 mức 3,75%. Đây là yếu tố khó khả thi.

"Chúng ta đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn tăng vốn đầu tư công năm 2023 trong bối cảnh vốn giải ngân vốn đầu tư công khó nên cần đầu tư các dự án dở dang, hạn chế khởi công mới. Đặc biệt, đề nghị dành một phần đầu tư công để đặt hàng hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành công nghiệp góp phần hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ", ông nói.

Có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là công nghiệp đường sắt, hậu cần vận tải biển và công nghiệp thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Nếu Chính phủ ưu tiên đặt hàng và cam kết dành thị phần cho các nhà đầu tư trong nước sẽ xây dựng được một nền công nghiệp đường sắt độc lập, hiện đại.

Đồng thời, ông nhấn mạnh khủng hoảng kinh tế sẽ đặt ra khó khăn với doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất công nghiệp nặng, công nghiệp sản xuất thiết bị. Trong khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã ra đời chính là nhờ đặt hàng của Chính phủ. "Giải pháp đặt hàng không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn mà còn cho ra đời nhiều tập đoàn kinh tế mạnh", ông kỳ vọng.

Đồng thời đại biểu đề nghị cần nhất quán quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế để nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, phát triển sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội: Cơ cấu một số tổ chức tín dụng còn yếu kém

Theo đại biểu Quốc hội, cơ cấu của một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, chưa phát huy hiệu quả là một trong những thách thức lớn trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đề xuất lấy quỹ bình ổn bù chi phí cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu

Theo Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu, để đảm bảo nhập xăng dầu đủ số lượng cần lấy quỹ bình ổn bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm