Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) để lại cho đời một văn nghiệp đồ sộ với những tác phẩm văn học Hương rừng Cà Mau, Bà chúa Hòn, Vọc nước giỡn trăng... cùng nhiều cuốn sách biên khảo có giá trị như Nói về miền Nam, Văn minh miệt vườn, Lịch sử khẩn hoang miền Nam...
Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp TP.HCM, Zing trích đăng một số bài viết trong tác phẩm 10 năm vắng bóng liêu xiêu "Ông già đi bộ" của tác giả Đào Tăng, một người bạn của nhà văn, viết để tưởng nhớ ông.
Một rồi hai, ba... giờ sáng, những tiếng gõ lảnh lót điểm báo thời gian, tôi choàng bật dậy. Ông Sơn Nam nằm ngủ bên cạnh trên gác với tôi biến mất đâu rồi, nhưng có thoảng mùi thuốc lá cố hữu. Thì ra ông đã rón rén đi xuống tầng dưới tự bao giờ.
Giữa khuya vẫn miệt mài, tiếng ho sù sụ đứt quãng. Dưới bóng đèn vừa đủ sáng, trên mặt bàn gỗ bé nhỏ, mái tóc hoa râm lúc nghiêng qua bên tả, lúc xoay sang bên hữu. Lập lòe đốm lửa thuốc lá tiếp nối trong những điệp khúc lách cách... đôi lúc im bặt nhường cho tiếng sột soạt...
Những trang viết của Sơn Nam ra đời từ chiếc máy đánh chữ nơi căn gác nhỏ. Ảnh: Đức Huy. |
Ông đang lật những trang sách kinh điển dày cộm tra cứu tham khảo, đã chuẩn bị sẵn một bên. Tôi còn nghe thấy tiếng cái muỗng nhỏ chạm vào ly cà phê thủy tinh và tiếng xòe xoẹt của que diêm.
Tất cả hồn và xác của ông đang hòa nhập vào từng hơi thở của cái xóm nghèo đang vặn mình thức giấc.
Dân xích lô, xe ôm, ba gác, cùng những tiếng động rổn rảng của xe thùng, tiếng rao bán xôi, bánh mì... lảnh lót chạm vào vách nhà càng lúc càng huyên náo khi ngày đang sáng tỏ.
Nhưng cảnh đời đâu có được như thế. Ðầu hôm rỗng túi chưa mua kịp thuốc lá, giữa hôm còn vài điếu ngắt làm đôi làm ba gắn vào cái ống nhựa để dành rít từng hơi. Hoặc cùng lắm thì “bắt dế” (mót lại tàn thuốc cũ dưới đất).
Trà hết cà phê cũng chẳng còn, lục lại ấm phích cũ, chế nước sôi uống nước nhì. Ðiện cúp bất chợt, hộp quẹt, cây đèn cầy đồng lõa trốn mất chỗ nào rồi. Lỡ đò lỡ chợ... nhưng rồi cũng có được những trang viết.
Thường sáng ra tôi thấy ông viết xong từ bốn đến sáu trang đánh máy trên khổ giấy A4. Cũng có thể ít hơn vì cái máy đánh chữ cổ lỗ sĩ kia vừa nổi chứng, ông nói đó là kỷ vật, không có ý định mua cái mới.
Xem lại lần cuối, liếc nhanh đồng hồ, nhét lẹ vào túi, chúng tôi đi nộp ngay cho các báo. Bấy giờ chính là giây phút gặp gỡ ông quản lý. Nếu đôi bên có nụ cười ông địa là tác giả có bao thơ tạm ứng tiền nhuận bút, nâng niu quay trở về trang trải cuộc sống.
Tôi chưa hề thấy có bản thảo nào của nhà văn không xuất hiện vài ngày sau trên các sạp báo.
"Ông già đi bộ" tra cứu tài liệu tại thư viện Gò Vấp. Ảnh: Đức Huy. |
Hễ cứ mỗi sáng ra, bắt đầu một ngày, chưa kịp làm gì cả, trước cửa nhà tôi đã nghe tiếng xe gắn máy thắng ken két, tiếng nhấn còi inh ỏi, tiếng gõ cửa đồm độp, tiếp theo là tiếng réo gọi rất quen thuộc:
- Sơn Nam... Sơn Nam đâu rồi, đi uống cà phê!
Bước ra cửa còn thấy lắm nam nữ khách lạ, họ giành nhau chở ông.
Tại các điểm ăn uống đó đây, thường nhật bạn bè níu kéo mời mọc. Tay họ pha từng tách cà phê, bật quẹt cho ông đốt thuốc. Gắp bỏ vào chén từng miếng ăn thích hợp.
Lúc đứng lên ra về họ như là kế toán tòa soạn thanh toán, vô tư nhét bao thơ tiền nhuận bút “tình thương mến thương” vào túi ông.
Cá tánh, trái tim... mọi nếp sinh hoạt đặc thù của Sơn Nam và những biên khảo của ông đang được đời nâng niu cài lên vương miện.
Xã hội đã đón nhận văn chương chữ nghĩa Sơn Nam như thế.