Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Erdogan lại 'dội gáo nước lạnh' vào Thụy Điển

Tổng thống Tayyip Erdogan nói Thụy Điển không nên mong đợi được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ gia nhập NATO sau cuộc biểu tình ở Stockholm vào cuối tuần qua, trong đó có việc đốt kinh Koran.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters.

“Những người cho phép hành động báng bổ như vậy trước đại sứ quán của chúng tôi không còn có thể mong đợi chúng tôi ủng hộ tư cách thành viên NATO của họ”, ông Erdogan phát biểu hôm 23/1, Reuters đưa tin.

Tổng thống Erdogan đã chỉ trích cuộc biểu tình đốt kinh Koran hôm 21/1, nói rằng đó là sự xúc phạm đối với mọi người, đặc biệt là đối với người Hồi giáo.

Ông cũng chỉ trích Thụy Điển vì đã cho phép cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm, theo AP.

“Nếu các vị yêu mến các thành viên của những tổ chức khủng bố và kẻ thù của Hồi giáo nhiều như vậy, cũng như bảo vệ họ, thì chúng tôi khuyên các vị nên tìm kiếm sự hỗ trợ của họ cho vấn đề an ninh của đất nước mình”, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm.

Các cuộc biểu tình phản đối Thổ Nhĩ Kỳ hôm 21/1 và nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển đã làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nước vào thời điểm Stockholm cần sự đồng ý của Ankara để bước vào liên minh quân sự trên.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom từ chối bình luận về phát biểu của ông Erdogan, khẳng định ông muốn hiểu rõ những gì tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói.

"Tuy nhiên, Thụy Điển sẽ tôn trọng thỏa thuận đã tồn tại giữa Thụy Điển, Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ về tư cách thành viên NATO của chúng tôi”, ông nói thêm.

Bên cạnh đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Phần Lan và Thụy Điển đã sẵn sàng tham gia NATO. Tuy nhiên, ông Price từ chối bình luận về việc liệu Washington có nghĩ rằng những bình luận của ông Erdogan đồng nghĩa với việc đóng cửa với Thụy Điển hay không.

"Xét cho cùng, đây là quyết định và sự đồng thuận mà Phần Lan và Thụy Điển sẽ phải đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Price nói.

Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, nhưng vấp phải sự trì hoãn từ Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên lâu năm của liên minh này.

NATO ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, do đó hai quốc gia Bắc Âu này cần có sự chấp thuận của tất cả 30 quốc gia thành viên.

Những cuốn sách hay về châu Âu

Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận vì cuộc biểu tình đốt kinh Qur'an ở Thụy Điển

Thổ Nhĩ Kỳ hôm 21/1 đã lên án cuộc biểu tình liên quan đến việc đốt kinh Qur'an ở Thụy Điển, làm gia tăng thêm căng thẳng giữa 2 nước trong bối cảnh Stockholm nỗ lực gia nhập NATO.

Hình ảnh trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ khiến cả thế giới chú ý

Một đám mây với hình dạng hiếm thấy trông giống như vật thể bay không xác định (UFO) trở thành tâm điểm chú ý sau khi xuất hiện ở Bursa, Thổ Nhĩ Kỳ.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm