Tổng thống Duterte hôm 19/4 đã trấn an dư luận trong nước khi tuyên bố sẽ thực thi chủ quyền của Philippines đối với các tài nguyên như dầu mỏ và khoáng sản khác trên Biển Đông, theo Reuters.
Trước đây, ông Duterte từng hứng chịu nhiều chỉ trích vì phản ứng mềm mỏng với Trung Quốc khi không thúc ép Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài PCA năm 2016.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
"Tôi không quan tâm tới đánh cá nhiều lắm. Tôi không nghĩ có đủ cá cho các bên tranh chấp. Nhưng khi chúng ta sẽ bắt đầu khai thác bất cứ thứ gì trong lòng Biển Đông, như dầu mỏ chẳng hạn, tôi sẽ gửi những con tàu xám (tàu quân sự) đến đó để thực thi tuyên bố này", ông nói trong bài phát biểu vào tối muộn.
"Nếu họ bắt đầu khoan dầu ở đó, tôi sẽ hỏi Trung Quốc: 'Đó có phải là một phần trong thỏa thuận của hai bên không?' Nếu không, tôi cũng sẽ khoan ở đó", vị tổng thống Philippines khẳng định, ngay sau khi ông nhắc lại mong muốn tiếp tục làm bạn với Bắc Kinh.
Ông đã nhiều lần nói Philippines bất lực trong ngăn chặn Trung Quốc trên biển, việc thách thức các hoạt động của nước này có thể dẫn đến một cuộc chiến mà đất nước của ông sẽ thua.
Người đứng đầu Philippines cho biết không có cách nào để nước này thực thi phán quyết của Tòa trọng tài PCA năm 2016 mà "không đổ máu".
Phán quyết này đánh dấu bước ngoặt trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa hai nước, làm rõ các quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila vẫn chưa hồi đáp ngay yêu cầu đưa ra bình luận về tuyên bố trên.
Philippines đã gửi nhiều công hàm phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó, vụ việc mới nhất là hoạt động neo đậu và khai thác nguồn lợi thủy sản của hơn 240 tàu cá Trung Quốc trên vùng biển Đá Ba Đầu.
Ngày 14/4, Philippines đã yêu cầu Trung Quốc cho dừng hoạt động đánh cá bất hợp pháp trên vùng biển gần đá Ba Đầu và cho rút hơn 200 "tàu cá" tại đây về nước.
Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình dạng chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.