Đơn kiện dài 50 trang kêu gọi truy tố Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vì hàng nghìn vụ giết người được cho là "ngoài vòng pháp luật", bao gồm những vụ hành quyết do cảnh sát tiến hành mà không bị truy cứu trách nhiệm, theo Reuters.
Đây là đơn kiện thứ hai chống lại ông Duterte được đệ lên ICC sau một đơn kiện tương tự hồi tháng 4/2017, liên quan đến chiến dịch khiến khoảng 4.400 người thiệt mạng trong hai năm qua tại đảo quốc Đông Nam Á.
Các nhà hoạt động và gia đình nạn nhân biểu tình phản đối chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Duterte phát động tại thành phố Quezon ngày 28/8. Ảnh: Reuters. |
Các nhà hoạt động và gia đình nạn nhân nói những người chỉ trích chiến dịch chống ma túy do ông Duterte khởi xướng bị "khủng bố", trong khi đơn thư khiếu nại của các gia đình hoàn toàn không được hồi đáp.
"Cá nhân ông Duterte phải chịu trách nhiệm về việc ra lệnh cho cảnh sát tiến hành các vụ giết người hàng loạt", Neri Colmenares, luật sư đại diện cho nhóm gửi đơn, trả lời phóng viên hôm 28/8.
Các nhóm nhân quyền tin rằng số người chết có thể cao hơn nhiều so với số liệu cảnh sát cung cấp.
Tổng thống Duterte luôn khẳng định ông ra lệnh cho cảnh sát chỉ được nổ súng trong trường hợp tự vệ, tấn công những người lên án chiến dịch và chưa từng bày tỏ sự thương tiếc với những người thiệt mạng. Trong một bài phát biểu toàn quốc tháng trước, ông nói cuộc chiến ma túy sẽ vẫn diễn ra "không khoan nhượng".
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị kiện ra Tòa Hình sự Quốc tế vì cuộc chiến chống ma túy. Ảnh: Reuters. |
Tháng 4/2017, một luật sư Philippines đã đệ đơn kiện ông Duterte lên ICC với sự ủng hộ của hai nghị sĩ phe đối lập. ICC đã bắt đầu điều tra sơ bộ hồi tháng 2.
Người phát ngôn tổng thống Harry Roque nói đơn kiện mới nhất không có tác dụng vì Philippines đã rút khỏi Quy chế Rome về ICC. Ông Duterte đơn phương rút khỏi điều ước thành lập ICC hồi tháng 3, nói ICC cố tình phớt lờ giả định vô tội đối với ông và phác họa ông như "một kẻ vi phạm nhân quyền tàn nhẫn và bất lương".
Các nghị sĩ đối lập vẫn khẳng định rằng việc ông Duterte rút khỏi Quy chế Rome, có hiệu lực từ tháng 3/2019, là phi pháp vì không được sự đồng ý của quốc hội.