ZTE, nhà sản xuất thiết bị điện thoại và viễn thông lớn của thế giới, đã tuyên bố vào tuần trước rằng họ đã ngừng hoạt động tại Mỹ sau khi bị chính quyền ông Trump cấm các công ty Mỹ cung cấp cho những linh kiện quan trọng.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho biết ông đang làm việc với chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc để đưa công ty này trở lại.
"Quá nhiều việc làm ở Trung Quốc bị mất" ông Trump viết trong một tweet hôm chủ nhật (13/5).
Nhà Trắng sau đó đã đưa ra một tuyên bố rằng Tổng thống Trump "hy vọng" Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross "thực hiện quyền phán quyết độc lập của mình, phù hợp với luật và quy định hiện hành để giải quyết các hành động pháp lý liên quan đến ZTE".
ZTE cho biết đã dừng một số hoạt động sau khi chính quyền ông Trump đưa ra lệnh cấm sử dụng linh kiện từ Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Tình trạng hiện tại của ZTE thể hiện rõ nhất hậu quả của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hiện tại, công ty đang sử dụng khoảng 75.000 nhân công. Đây cũng là nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 4 tại Mỹ.
Tháng trước, chính quyền Trump đã ra lệnh cấm các công ty Mỹ bán linh kiện hoặc cung cấp dịch vụ cho ZTE cho đến năm 2025. Lệnh cấm được đưa ra sau khi Washington tin rằng ZTE đã vi phạm một thỏa thuận ký kết vào năm ngoái, trong đó ZTE đồng ý trả 1,2 tỷ USD tiền phạt vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ về Iran và Bắc Triều Tiên.
ZTE phủ nhận những vi phạm của mình và đang kháng nghị lệnh cấm xuất khẩu. Công ty cũng cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển của ZTE.
ZTE trở thành nạn nhân trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh:Getty Images. |
Các chuyên gia nói rằng công ty có thể bị đẩy vào ngõ cụt, tuy nhiên một số khác nhận định chính phủ Mỹ sẽ đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc cho phép ZTE tiếp tục tồn tại.
Lệnh cấm của Mỹ đối với ZTE được cho là nằm trong nỗ lực kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc từ phía Mỹ.
ZTE từ lâu đã là mục tiêu giám sát của các nhà quản lý và quan chức tại Mỹ. Cổ đông kiểm soát ZTE là Zhongxingxin, một công ty Nhà nước có trụ sở tại Thâm Quyến.
Báo cáo quốc hội năm 2012 về ZTE và Huawei cho biết các công ty Trung Quốc "không thể tin tưởng được do sự ảnh hưởng của chính phủ và có thể gây ra mối đe dọa an ninh cho Mỹ".
Adam Schiff, một nghị sĩ dân chủ từ California, đã trả lời tweet của Trump rằng ông "nên quan tâm nhiều đến an ninh quốc gia hơn là việc làm của người Trung Quốc".
"Các cơ quan tình báo đã cảnh báo rằng công nghệ và điện thoại ZTE đang đặt ra một mối đe dọa an ninh mạng lớn cho Mỹ", ông nói.
Các công ty Mỹ cũng chịu tổn thất từ lệnh cấm của chính phủ Mỹ. Ảnh: Bloomberg. |
Bên cạnh đó, lệnh cấm của Bộ Thương mại với ZTE cũng ảnh hưởng đến các công ty Mỹ. Các nhà cung cấp chip điện thoại thông minh cho công ty Trung Quốc bao gồm Qualcomm (QCOM) và Intel (INTC). ZTE cũng mua các linh kiện viễn thông từ các công ty nhỏ hơn của Mỹ như Acacia (ABGLF) và Oclaro (OCLR), khiến các công ty này bị tổn thất nặng.