13h ngày 15/6, trời đổ mưa lớn. Bên trong nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, trái ngược với sự tất bật của đội tiêu binh áo trắng và những chiến sĩ quân đội áo xanh, một người phụ nữ ngồi lặng im ở góc phòng, bận đồ đen, đầu quấn khăn trắng hòa vào màu tóc, mắt liên tục hướng về phía thi hài ông Mười Hương.
Ở với nhau hàng chục năm, bà Nguyễn Thị Thu (76 tuổi), tên gọi thân mật là bà Mười, vẫn chưa thể quen với việc sống tiếp phần đời còn lại thiếu bóng dáng ông Mười Hương.
Lễ viếng ông Trần Quốc Hương, bí danh Mười Hương, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. Ảnh: Phạm Ngôn. |
"Ra đi vì tuổi già là mừng lắm rồi"
Cứ mỗi lượt người lại gần hỏi thăm, bà Mười lại không kìm được nước mắt. Bà nói ông Mười cả cuộc đời "vào tù ra ngục" mà sống được đến tuổi này là quý lắm rồi, nhưng bà vẫn cứ thấy ông ra đi sớm quá.
96 năm cuộc đời, ông Mười Hương không chỉ một lần rơi vào tay địch. 15 tuổi, ông bị bắt vào nhà tù thực dân Pháp và được anh trai bảo lãnh. Đến năm 1958, ông Mười Hương bị bắt và bắt đầu quãng thời gian 6 năm làm tù nhân của chính quyền Mỹ Diệm.
Bà Mười kể chừng ấy năm lao ngục đã ảnh hưởng không ít đến sức khỏe của ông khi về già nên chính ông cũng không nghĩ mình "sống được đến tuổi này".
Hơn hai tuần trước, sức khỏe của ông ngày càng yếu và được gia đình đưa vào Bệnh viện Thống Nhất chạy chữa. Đến sáng ngày 11/6, ông trút hơi thở cuối cùng bên người thân.
"Ông ấy ra đi nhẹ nhàng và thanh thản, không phải mổ nên không chịu đau đớn gì. Sống một đời vào tù ra ngục, ra đi vì tuổi già là mừng lắm rồi. Ông cứ nhắm mắt ngủ rồi ra đi vậy thôi, cũng không trăn trối gì vì vốn ông ấy chẳng còn gì phải trăn trối nữa", bà Mười tâm sự trong nước mắt.
Vợ ông Mười Hương kể sau ngày giải phóng, chồng bà không còn phải làm những công việc tình báo hiểm nguy, hai ông bà đã sống một phần đời hạnh phúc và vui vẻ cùng gia đình con trai Trần Hà Minh tại căn nhà ở Thảo Điền (quận 2). Bà bảo bà vui vì vẫn còn có các con và hai cháu quây quần, nhưng từ nay sẽ không còn ai cùng bà đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung nữa.
Bà Nguyễn Thị Thu (76 tuổi), vợ ông Mười Hương. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trước khi nên duyên với bà Nguyễn Thị Thu, ông Trần Quốc Hương có với người vợ đầu 2 người con trai và 1 người con gái là bà Trần Kim Ngọc (67 tuổi). Bà Ngọc may mắn được chăm sóc và ở bên cha trong những ngày cuối cuộc đời. Hai người con trai của ông, một người đã mất, một người lâm bệnh nên không thể đến tiễn đưa cha những phút cuối cùng.
Bà Ngọc kể những ngày ở viện, nhiều lúc bà tưởng rằng cha mình sẽ vượt qua ải tử thêm lần nữa.
"Lúc cấp cứu tưởng ông sẽ không qua khỏi, nhưng không ngờ lại vượt qua, sức khỏe cải thiện. Những ngày cuối đời cảm thấy ông khỏe lên nhiều. Ai ngờ ông ra đi trong giấc ngủ, huyết áp cứ thế hạ dần", bà Ngọc tâm sự.
"Vĩnh biệt anh"
"Mới đây, chúng tôi vào thăm anh ở Bệnh viện Thống Nhất (21/5/2020). Nhìn anh nằm thở máy mệt nhọc, xót quá, thương anh nhiều. Nay anh đã ra đi.
Anh ra đi để lại bao đau thương, tiếc nuối cho mọi người. Nhưng riêng anh chắc thanh thản, tự hào về những năm tháng đã sống, chiến đấu!
Xin chia sẻ nỗi đau cùng chị và gia đình.
Vĩnh biệt Anh".
Đó là những lời tiễn đưa của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong cuốn sổ ghi tang của người thầy tình báo Mười Hương.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình viết trong sổ tang của ông Mười Hương. Ảnh: NTH. |
Lễ viếng "người thầy tình báo" Mười Hương còn có sự hiện diện của hàng chục lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước các thế hệ.
Đến viếng tại lễ tang, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ lòng thương tiếc với sự ra đi của "một chiến sĩ cộng sản kiên định, mẫu mực". "Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng và đất nước", ông Trương Tấn Sang viết.
Hơn 18h, dòng người đến tiễn đưa ông Mười Hương vẫn chưa dứt. Đoàn Tòa án Nhân dân Tối cao do Chánh án Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu là một trong những đoàn viếng cuối cùng chiều 15/6.
"Đồng chí Mười Hương đã nêu tấm gương sáng về lòng trung thành với Đảng, tận tụy với công việc chung, hết sức thanh liêm, trong sáng. Xin kính cẩn thắp nhang tiễn đưa đồng chí Mười Hương về nơi vĩnh hằng...", Chánh án Nguyễn Hòa Bình viết trong sổ tang.
Linh cữu ông Trần Quốc Hương quàn tại Nhà tang lễ Bệnh viện 175 Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, Quận Gò Vấp, TP.HCM). Lễ viếng bắt đầu từ 14h ngày 15/6. Lễ truy điệu vào 9h ngày 17/6, sau đó là di quan, an táng tại Nghĩa trang TP.HCM.
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, dẫn đầu đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng đến viếng ông Mười Hương. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Ông Trần Quốc Hương, tên thật là Trần Ngọc Ban, bí danh Mười Hương (các bí danh khác: Lý, Trang), sinh ngày 20/12/1924, quê xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông là nhà tình báo chiến lược xuất sắc, chỉ huy mạng lưới tình báo miền Nam, là cấp trên trực tiếp, "người thầy của những nhà tình báo huyền thoại" như: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn.
Sau ngày 30/4/1975, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó bí thư Thành ủy TP.HCM; Phó bí thư Thành ủy Hà Nội; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông Hương là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IV đến khóa VI. Từ năm 1986-1991, ông giữ cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.