Ông Phạm Đình Nguyên, một doanh nhân Việt Nam đã từng nổi danh thế giới khi mua lại một thị trấn nhỏ có tên Bufor ở Mỹ vào năm 2012 với cái giá gần 1 triệu USD.
Sau khi trở thành thị trưởng của thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, ông Nguyên xúc tiến thành lập Công ty cà phê PhinDeli, đồng thời đổi tên cả thị trấn thành PhinDeli với tham vọng quảng bá, kinh doanh loại cà phê pha phin đặc trưng của Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng Mỹ.
Không lâu sau đó, nhiều người lại tỏ ra bất ngờ khi biết được tin ông Nguyên bán phần lớn cổ phần tại cà phê PhinDeli cho Công ty CP Kinh Đô (KDC) nhằm tận dụng mạng lưới phân phối rộng khắp của Kinh Đô để phát triển thương hiệu cà phê ra khắp cả nước.
Tuy nhiên, gần đây ông Nguyên tiết lộ thương vụ với Kinh Đô không thành vì thời gian đó Kinh Đô đang “bận bịu” với thương vụ bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho đối tác nước ngoài, đồng thời đang tập trung phát triển các sản phẩm mì gói, dầu ăn…
Thời gian gần đây, người dùng lại thấy cà phê PhinDeli của ông Phạm Đình Nguyên xuất hiện ở nhiều ngả đường, cũng như các cửa hàng tiện lợi. Cà phê được pha bằng máy, đựng trong các ly giấy khá bắt mắt để khách hàng dễ dàng mang đi.
Ông Phạm Đình Nguyên tiết lộ điều hấp dẫn trong chiến lược kinh doanh mới của ông là không chỉ cho người tiêu dùng được uống cà phê sạch mà người kinh doanh cũng có lợi bằng phương thức nhượng quyền cà phê PhinDeli.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Đình Nguyên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP PhinDeli về chiến lược kinh doanh mới này của ông.
Ông Phạm Đình Nguyên, Chủ tịch Công ty PhinDeli. |
- Xuất phát là cà phê pha phin và lớn mạnh hơn với sản phẩm cà phê hòa tan, nhưng gần đây người dùng lại thấy PhinDeli lại xuất hiện trên thị trường theo mô hình cà phê take-away?
- Ban đầu tôi từng nghĩ đến ý tưởng mở chuỗi quán cà phê PhinDeli để khách hàng có được không gian thưởng thức hương vị cà phê sạch, an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, tôi đánh giá hướng đi này không thật sự khác biệt, đã từng có những thương hiệu đi trước làm rồi. PhinDeli “sinh sau đẻ muộn” thì lợi thế lớn nhất phải là luôn tìm ra những ý tưởng độc đáo, những hướng đi bất ngờ, táo bạo, giữ đúng tinh thần và cảm hứng “không gì là không thể” của mình.
Từ những lần khảo sát thị trường, tôi khi nhận ra người Sài Gòn có nhịp sống rất hối hả nên những ly cà phê take-away là rất phù hợp. Nhưng làm thế nào để cà phê mang đi chất lượng cao, tuyệt đối an toàn cho sức khỏe, hương vị thơm ngon như cà phê ở quán hay cà phê phin tại nhà mà giá thành phù hợp với hầu hết số đông? Khi chúng tôi giải được bài toán ấy thì cũng là lúc chuỗi cà phê take-away PhinDeli ra đời.
Quầy cà phê PhinDeli tại trường ĐH Tôn Đức Thắng. |
- Ông nghĩ chiến lược này của PhinDeli sẽ thành công?
- Xin bật mí là hiện tại, chúng tôi đã lắp đặt được máy bán cà phê mang đi tại hơn 350 điểm và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh từ giờ cho đến cuối năm. Máy bán cà phê mang đi của PhinDeli đã xuất hiện được ở chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart, siêu thị Coop, nhà hàng LongMonaco, những tòa nhà văn phòng như E-town 3, hàng loạt căn-tin các trường đại học, chưa kể ở cả những shop bán bánh mì nổi tiếng, bệnh viện và cả các công ty có đông nhân viên…
Mô hình này đặc biệt thu hút giới trẻ và hầu hết các chủ cửa hàng đang bán cà phê mang đi PhinDeli đều cảm thấy hài lòng với doanh số, số lượng cà phê bán được.
Dự án nhượng quyền PhinDeli take-away thực chất là cung cấp giải pháp cà phê mang đi trọn gói, bao gồm: máy pha cà phê (sản xuất tại Hàn Quốc) cùng với bộ ly mang thương hiệu PhinDeli gồm 3 loại sản phẩm: đen đá, sữa đá và cà phê sôcôla. Ý tưởng này giúp người chủ cửa hàng tiết kiệm được nhân công mà lại không rủi ro vì máy rất dễ vận hành. Chỉ cần nhấn nút là cà phê chảy ra với định lượng đã được cài đặt sẵn. Mỗi sáng chỉ cần nhấn nút vệ sinh đường ống là coi như xong.
Còn về người mua, họ được thưởng thức những ly cà phê ngon đúng điệu, bảo đảm an toàn, với giá thành hợp lý là chỉ khoảng 8.000 đồng- 12.000 đồng/ly tùy loại. Tôi nghĩ nhờ “đánh” trúng nhu cầu có thực và rất tiện dụng cho cả người bán lẫn người mua, nên cà phê mang đi đang có được sự phát triển rất nhanh chóng trong những tháng gần đây.
Tôi không muốn nói trước điều gì, nhưng tham vọng đưa PhinDeli chính thức trở thành “Cà phê take-away số 1 Việt Nam” đang từng bước trở thành hiện thực.
- Kế hoạch của việc nhượng quyền trong thời gian tới sẽ như thế nào?
- Có thể nói việc lắp đồng loạt 97 máy bán cà phê mang đi PhinDeli ở 97 cửa hàng B’s Mart khác nhau trong tháng 8 vừa qua đã khiến tôi càng lúc càng tin tưởng hơn vào hướng đi này.
Hiện tại, không chỉ có những điểm bán lẻ đặt vấn đề nhượng quyền, lắp đặt máy bán cà phê mang đi PhinDeli như giai đoạn đầu, mà nhiều khách hàng lớn, với chuỗi cửa hàng, chuỗi nhà hàng, chuỗi thức ăn nhanh… tương tự như trường hợp của B’s Mart cũng đang quan tâm tìm hiểu và đặt vấn đề nhượng quyền với chúng tôi.
- Thị trường hiện nay cũng không hiếm cà phê take away mà giá cũng khá rẻ. PhinDeli sẽ có sự khác biệt nào để đạt vị trí “Cà phê take-away số 1 Việt Nam” như ông nói?
- Siêu sạch, tuyệt đối an toàn cho sức khỏe vẫn luôn là thế mạnh và là sự khác biệt mà ngay từ ban đầu chúng tôi đặt ra. Dù là cà phê pha phin, cà phê hòa tan, hay đến bây giờ là cà phê take-away pha bằng máy, chúng tôi đều tự tin đây chính là thế mạnh đầu tiên của mình để chinh phục khách hàng. Rất nhiều người ở các khu đô thị lớn ngày ngày vội vàng đến nơi công sở với một ly cà phê mang đi mua ở dọc đường.
Nhưng liệu bạn có đảm bảo mình đang được uống cà phê thật, không hóa chất, không chất tạo màu, tạo mùi, tạo bọt, bột bắp hay thứ gì khác trong đó?.
Ngoài ra, với hơn 350 điểm bán và sắp tới sẽ còn tăng thêm nữa thì độ phủ của PhinDeli nhượng quyền sẽ rộng, nhiều người dễ tiếp cận hơn mà phải thương hiệu cà phê mang đi nào hiện tại cũng làm được điều ấy.
Chúng tôi cũng chú trọng vào hương vị cà phê, sao cho mỗi ly cà phê mang đi vốn vội vàng vẫn mang được hương vị thơm ngon gần như hoàn toàn tương đồng với ly cà phê bạn thong thả pha phin để thưởng thức lúc ở nhà. Lợi thế về giá thành là chỉ tương đương như những ly cà phê mang đi bình dân cũng tạo nên sự khác biệt lớn cho PhinDeli.
Vì thực tế không phải ai cũng đủ sức chi trả những ly cà phê mang đi giá cao từ các thương hiệu nước ngoài mỗi ngày. Tôi tin rằng với chừng ấy thế mạnh cộng lại, cà phê mang đi (take-away) của PhinDeli giữ được vị trí của mình.
Thú thật tôi có hàng loạt các kế hoạch khác nhau cho cả 3 mảng cà phê rang xay (pha phin), cà phê hòa tan, và cà phê mang đi (take-away). Nhưng ở từng thời điểm, sự tập trung sẽ dồn nhiều vào cho một sản phẩm nhất định.
- Kế hoạch kinh doanh ở thị trấn PhinDeli ở Mỹ của ông hiện nay như thế nào?
- Hoạt động của cửa hàng PhinDeli tại Mỹ cũng như nhóm cà phê rang xay, cà phê hòa tan đang đi vào giai đoạn ổn định. Trong khi đó, cà phê ra đời sau còn rất mới mẻ và đang có hướng phát triển rất nhanh chóng nên chúng tôi đang dành nhiều sự tập trung để đẩy mạnh mảng này. Dự kiến từ đây đến cuối năm, PhinDeli sẽ có 700 điểm bán cà phê mang đi và bắt đầu mở rộng ra các tỉnh thành khác trên cả nước.