Trên báo Cứu quốc số 52, ra ngày 27/9/1945 có bài Ai sẽ là người đứng đầu sổ Vàng cứu quốc? cho biết mục đích của việc lập sổ Vàng cứu quốc để “ghi tên tất cả các vị cúng vàng trong Tuần lễ Vàng”.
Bên cạnh đó, bài viết còn đề cập đến kỷ lục ủng hộ 102 lạng vàng của gia đình cụ Trịnh Phúc Lợi và ông bà Trịnh Văn Bô lập từ hôm khai mạc Tuần lễ Vàng (17/9/1945) đã bị một nhà tư sản yêu nước khác phá. Vị đó là Nguyễn Sơn Hà, chủ hãng sơn Résistanco ở Hải Phòng. Ông đã ủng hộ cho Tuần lễ Vàng 105 lạng vàng.
Trong sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam tập 2: Những người Việt Nam đi tiên phong, với nguồn tư liệu phong phú, tác giả Lê Minh Quốc đã phác họa chân dung nhà tư sản nổi tiếng tài giỏi, giàu có, giàu lòng yêu nước, hết lòng hưởng ứng Tuần lễ Vàng này.
Tạo dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng
Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894 tại Hà Nội, quê ở Sơn Tây nên cha là cụ Nguyễn Mễ mới ghép chữ đầu của hai tỉnh đặt tên như vậy. Năm ông lên 14 tuổi thì cha mất, phải bỏ học nửa chừng để giúp mẹ nuôi em và trả khoản nợ mà cha để lại.
Nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà (ngoài cùng bên phải) và vợ ông, bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi (ngoài cùng bên trái). Nguồn: vietnamfinance. |
Nhờ quyết tâm nên ông thi đậu vào Sở Pháo thủ. Lương không đủ để giúp đỡ cho gia đình, nên ông xin vào làm thư ký cho hãng sơn Sauvage Cottu của người Pháp. Mục đích chính của ông là tìm hiểu công nghệ sản xuất mà họ đang giữ bí mật.
Sau khi nắm vững các nguyên lý cơ bản của việc chế tạo thì ông quyết tâm đi vào nghề này. Ông nộp đơn xin nghỉ việc và bàn với sáu người em bán đi tài sản lớn nhất trong nhà là chiếc xe đạp để lấy vốn kinh doanh.
Trước tiên ông mở cửa hàng giao cho các em quản lý, còn ông bắt tay vào việc nghiên cứu chế thử sơn dầu. Liên tiếp nhiều lần thất bại nhưng ông vẫn không nản chí. Sau nhiều lần cải tiến, ông chế ra được loại sơn tạm dùng được.
Một ngày nọ, ông đem 15 kg sơn đến giao cho chủ nhà hàng Godard để bán thử. Không ngờ, hàng của ông lại bán được. Với số vốn ít ỏi tích lũy được, ông đem đầu tư vào máy móc. Ông mua được cửa hàng ở phố Hoàng Văn Thụ ngày nay, bắt đầu thu nhận nhân công và đặt tên sơn của mình là Résistanco.
Sau đó, nhờ nỗ lực nghiên cứu, cải tiến liên tục mà sản phẩm của ông ngày một tốt lên thu hút nhiều cai thầu, thợ sơn đến tìm mua. Không những vậy, ông còn cho ra đời những sản phẩm mới: Sơn Résistanco chuyên sơn xe đạp và sơn Durolac chuyên sơn ôtô.
Không dừng lại ở đó, ông quyết định tiến vào Nam mở rộng cơ sở sản xuất. Ông đã mua nghìn mét vuông đất ở Sài Gòn để mở nhà máy phụ. Nhờ Cảng Sài Gòn hoạt động mạnh, vật liệu mua từ nước ngoài được đáp ứng nhanh chóng và giảm được tiền cước vận chuyển nên công việc sản xuất kinh doanh của ông mỗi ngày một thuận lợi.
Nhờ biết giữ chữ tín trong kinh doanh nên Nguyễn Sơn Hà được nhiều người mến mộ và sản phẩm ngày càng phát triển khắp Nam Kỳ lục tỉnh và sang cả Cao Miên, Lào... Đặc biệt sơn Durolac của ông được tham dự Hội chợ Pháp và được giải thưởng về chất lượng.
Danh tiếng của Nguyễn Sơn Hà trên thương trường ngày càng vang xa. Hãng sơn Résistanco đã đánh bật loại sơn Ripolin nhập từ Pháp sang và sơn Testudo của hãng Sauvage Cottu mà trước đây ông từng làm công.
Không phải ngẫu nhiên mà cụ Phan Bội Châu đã khen ngợi ông: Hóa học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất, Công khoa tồn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ. (Lấy hóa học của người Âu, tô điểm cho tấm lòng son sẵn có).
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội. Nguồn: doanhnhansaigon. |
Tấm gương về lòng yêu nước và ý chí kinh doanh
Dù giàu sang, Nguyễn Sơn Hà luôn nghĩ đến thời hàn vi của mình. Ông đã dùng tiền mua hẳn 41 căn nhà, mỗi căn rộng 120m vuông để thưởng dần cho thợ thuyền ở ngõ Sơn Lâm và tham gia tích cực trong công tác xã hội.
Khi Hội truyền bá Quốc ngữ được thành lập theo chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương, cụ Nguyễn Văn Tố đã đích thân về Hải Phòng mời Nguyễn Sơn Hà làm Hội trưởng, ông vui vẻ nhận lời.
Và điều ít người biết là ông đã bí mật đóng góp tài chính cho Đảng Cộng sản, một sự tự nguyện xuất phát từ tấm lòng yêu nước.
Sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong “Tuần lễ Vàng” vợ chồng ông đã ủng hộ 35.000 đồng Đông Dương và 105 lượng vàng.
Đầu năm 1946, ông được cử tri Hải Phòng tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi nổ ra cuộc toàn quốc kháng chiến thì ông bỏ lại toàn bộ cơ nghiệp đưa gia đình lên Việt Bắc.
Trong gian khổ, ông suy nghĩ đóng góp sức mình cho sự nghiệp chung. Đó là ông sản xuất đường từ máy ép thủ công, làm giấm đường, làm vải nhựa cách điện, giấy than đánh máy và các thứ quân nhu như áo đi mưa, băng dính. Đặc biệt loại áo đi mưa rất được bộ đội ngoài tiền tuyến ưa thích.
Ngoài ra để giúp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong vùng tự do cải thiện đời sống của mình, ông viết quyển Công nghệ thực hành - trình bày chu đáo khoảng 30 nghề đơn giản như làm tương, làm giấm, xì dầu, lạp xưởng, mực in...
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Nguyễn Sơn Hà trở về Hà Nội. Năm 1955, ông cùng một vài người bạn lập xí nghiệp cổ phần Tiền Phong sản xuất đường kính, cồn, hóa chất, miến. Đến năm 1960, ông được giao nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật ở Sở Công nghiệp Hà Nội, giúp đỡ cho xí nghiệp sơn Thái Bình và tiếp tục là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V.
Trong những năm 1970, dù tuổi đã cao, sức đã yếu ông vẫn tiếp tục mày mò thí nghiệm. Ông mất năm 1980, để lại cho đời sau một ấn tượng về nghị lực phi thường.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đánh giá: “Nhà yêu nước, nhà doanh nghiệp Nguyễn Sơn Hà luôn có đầy nghị lực, năng động, sáng tạo. Tôi nghĩ Nguyễn Sơn Hà là một tấm gương sáng đối với các nhà doanh nghiệp cũng như đối với mọi người và nhất là đối với các nhà doanh nghiệp trẻ ngày nay về lòng yêu nước và ý chí kinh doanh”.
Còn nhà thơ Huy Cận đã đúc kết vai trò tiên phong của ông trong thế kỷ XX bằng những vần thơ: Trăm năm một tiếng Sơn Hà / Nghìn năm hai chữ Nước Nhà của chung / Đem Sơn tô điểm Sơn Hà / Làm cho rạng rỡ nước nhà Việt Nam".